Thế giới đón Vành lửa mặt trời, Nguyệt thực nửa tối năm 2017

Trong năm 2017, thế giới sẽ có cơ hội quan sát nhật thực toàn phần, nhật thực hình khuyên, nguyệt thực nửa tối, nguyệt thực một phần và 4 cơn mưa sao băng lớn.


Mưa sao băng Quadrantid (ngày 3 - 4/1):
Cơn mưa sao băng lớn đầu tiên trong năm, Quadrantid, sẽ đạt đỉnh vào đêm 3/1 và rạng sáng 4/1, với mật độ lên tới 40 vệt/giờ. Mưa sao băng Quadrantid được tạo thành từ bụi của ngôi sao chổi đã tuyệt chủng mang tên 2003 EH1, được phát hiện vào năm 2003. Bầu trời gần như tối đen những ngày này sẽ tạo điều kiện tốt để quan sát. (Ảnh: Jimmy Westlake).


Nguyệt thực nửa tối (ngày 10 - 11/2)
: Hiện tượng này rất khó quan sát bằng mắt thường và thường bị nhầm lẫn với trăng tròn bình thường. Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm thẳng hàng với Trái Đất nằm giữa, chặn một phần ánh sáng Mặt Trời chiếu đến Mặt Trăng. Một phần Mặt Trăng nằm khuất sau bóng của Trái Đất, còn gọi là vùng nửa tối, sẽ trở nên mờ tối. Trong khi đó, phần còn lại vẫn tỏa sáng như trăng tròn thông thường. Nguyệt thực nửa tối năm 2017 có thể quan sát được từ châu Âu, phần lớn châu Á, châu Phi và phần lớn khu vực Bắc Mỹ. (Ảnh: MrEclipse).


Nhật thực hình khuyên (ngày 26/2):
Hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng ở xa Trái Đất đến mức che khuất gần như hoàn toàn Mặt Trời, chỉ để lại một vành ánh sáng xung quanh. "Vòng lửa" của nhật thực hình khuyên sẽ quan sát được trên một vành đai hẹp ở phía nam và phía tây châu Phi, phần lớn khu vực Nam Mỹ, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Nam Cực. Các khu vực xung quanh sẽ quan sát được nhật thực một phần. (Ảnh: NewsBytes).


Sao Mộc đạt độ sáng nhất (ngày 7/4):
Sao Mộc sẽ tiến sát tới Trái Đất và được Mặt Trời chiếu sáng toàn diện vào ngày 7/4. Hành tinh khổng lồ này sẽ đạt độ sáng lớn nhất trong năm và có thể nhìn thấy được suốt đêm trên bầu trời. Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát và chụp ảnh Sao Mộc cùng các mặt trăng của nó. (Ảnh: Jan Sanberg).


Mưa sao băng Eta Aquarid (ngày 5 - 6/5):
Thời điểm tốt nhất để ngắm mưa sao băng Eta Aquarid là vào sáng sớm, ngay trước bình minh ngày 5 và 6/5. Ở đỉnh điểm, mật độ sao băng có thể lên tới 60 vệt/giờ. Mưa sao băng Eta Aquarid được tạo thành từ các hạt bụi của sao chổi Halley được biết tới từ thời cổ đại. Trăng khuyết đầu tháng 5 sẽ khiến sao băng năm nay trở nên mờ nhạt. Tuy nhiên, nếu kiên nhẫn, người quan sát có thể thấy vài vệt sao sáng, nhất là sau nửa đêm. Sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Bảo Bình nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên bầu trời. (Ảnh: FreeRoaming).


Sao Thổ đạt độ sáng nhất (ngày 15/6):
Sao Thổ sẽ nằm ở vị trí trực đối so với Trái Đất vào ngày 15/6, tức là Sao Thổ, Trái Đất và Mặt Trời sẽ nằm thẳng hàng và Trái Đất nằm ở giữa. Khoảng cách rất gần của Sao Thổ so với Trái Đất sẽ khiến nó tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời. Vành đai Sao Thổ và một số mặt trăng sáng nhất quanh nó có thể quan sát được bằng kính thiên văn cỡ trung bình hoặc cỡ lớn. (Đồ họa: Museum Victoria).


Nguyệt thực một phần (ngày 7 - 8/8):
Hiện tượng này xảy ra khi Mặt Trăng đi qua vùng nửa tối của Trái Đất và chỉ một phần Mặt Trăng vượt qua được vùng tối hoàn toàn. Nguyệt thực một phần năm nay sẽ quan sát được từ hầu hết các vùng ở phía nam và phía đông châu Á, châu Âu, châu Phi và Australia. Theo nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam, đây sẽ là hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất trong năm nay tại Việt Nam. Sự kiện này có thể được theo dõi trọn vẹn ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ nước ta. "Nguyệt thực một phần không phải quá hiếm, trung bình khoảng hơn 1 đến 2 năm chúng ta sẽ lại quan sát được. Mặc dù vậy, nếu tính trong giới hạn của 1 năm thì nó vẫn là hiện tượng khá thú vị", ông Sơn cho biết. (Ảnh: Getty).


Mưa sao băng Perseid (ngày 12 - 13/8):
Đây là một trong những cơn mưa sao băng đẹp nhất trong năm, với mật độ lên tới 60 vệt/giờ khi đạt đỉnh điểm. Cơn mưa sao băng này được tạo thành từ sao chổi Swift-Tuttle, được phát hiện năm 1862. Vì mưa sao băng Perseid tạo ra rất nhiều vệt sao sáng nên màn trình diễn của nó sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi ánh trăng. Các vệt sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Perseus đồng thời có thể xuất hiện từ bất cứ chỗ nào trên bầu trời. (Ảnh: NASA).


Nhật thực toàn phần (ngày 21/8):
Lần nhật thực này có thể quan sát được trên khu vực trải dài khắp nước Mỹ, từ Bờ Đông đến Bờ Tây. Đây sẽ là nhật thực toàn phần đầu tiên xảy ra ở nội địa Mỹ kể từ năm 1979. (Ảnh: NASA).


Sao Kim và Sao Mộc giao hội (ngày 13/11):
Sự kết hợp ngoạn mục của Sao Kim và Sao Mộc có thể quan sát được trên bầu trời đêm ngày 13/11. Hai hành tinh sẽ tỏa sáng rất gần nhau và chỉ cách nhau khoảng 0,3 độ. Cặp đôi này sẽ xuất hiện ở phía đông bầu trời ngay trước khi Mặt Trời mọc. (Ảnh: ESO).


Siêu trăng (ngày 3 - 4/12)
: Mặt Trăng ở điểm gần nhất so với Trái Đất nên sẽ lớn hơn và sáng hơn so với bình thường khi nhìn từ Địa Cầu. Đây cũng là siêu trăng duy nhất trong năm 2017. (Ảnh: TamarValley Cottages).


Mưa sao băng Geminids (ngày 13 - 14/12)
: Được coi là cơn mưa sao băng đẹp nhất trong năm, mưa sao băng Geminids có thể tạo ra 120 vệt sao băng đầy màu sắc mỗi giờ khi đạt đỉnh điểm. Các vệt sao này được tạo thành từ tiểu hành tinh 3200 Phaethon, được phát hiện vào năm 1982. Trăng lưỡi liềm sẽ không ảnh hưởng gì đến mưa sao băng Geminids trong năm nay. Bầu trời vẫn sẽ đủ tối cho màn trình diễn tuyệt đẹp này. Sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Song Tử và cũng có thể xuất hiện từ bất cứ vị trí nào trên bầu trời. (Ảnh: Kenneth Brandon).

Cập nhật: 03/01/2017 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video