Thế giới liệu có cây nào sống trên 5.000 năm?

Theo tính toán của các nhà khoa học, một cây cổ thụ thuộc họ bách (Fitzroya cupressoides) có tên Alerce Milenario ở Chile có thể đã sống hơn 5.000 năm.

Cây bách cổ thụ này được đặt tên Alerce Milenario hay Gran Abuelo, có nghĩa là "ông cố". Mới đây, nhóm nghiên cứu của nhà khoa học môi trường Jonathan Barichivich - hiện làm việc tại Phòng thí nghiệm Khoa học môi trường và khí hậu ở Paris (Pháp) - đã khảo sát tuổi thọ của cây.


Chiều ngang của Alerce Milenario ước tính hơn 4m - (Ảnh: GETTY IMAGES)

Theo tạp chí Science, sau khi sử dụng phương pháp mô phỏng trên máy tính kết hợp cách đếm vòng cây truyền thống, nhóm Barichivich ước tính Alerce Milenario có thể đã sống hơn 5.000 năm.

Theo đó, Barichivich đã dùng một dụng cụ đục lỗ mà không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây để tính số vòng thân. Mục tiêu của nhóm là đếm thủ công số vòng, từ đó suy ra độ tuổi của "ông cố".

Tuy nhiên nhóm chỉ có thể khoét 2.400 vòng cây, sau đó phải dùng phương pháp khác để ước tính phần tuổi còn lại của cây. Nhóm nghiên cứu phần lõi hoàn chỉnh từ các cây "anh em" của Alerce Milenario, đồng thời tính toán thêm các yếu tố môi trường, biến đổi ngẫu nhiên ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Cuối cùng, nhóm hiệu chỉnh mô hình mô phỏng các độ tuổi có thể của cây, xác suất cho mỗi tuổi ứng với đặc điểm vòng thân dễ xảy ra nhất. Cuối cùng, nhóm cho ra kết quả rằng xác suất Alerce Milenario sống hơn 5.000 tuổi lên đến 80%. Cụ thể, độ tuổi của cây có thể vào khoảng 5.484 tuổi.


"Ông cố"
Alerce Milenario của người Chile - (Ảnh: SCIENCE)

Nếu được công nhận, Alerce Milenario có thể phá vỡ kỷ lục của cây đang sống lâu nhất hiện tại là Methuselah - một cây thông lông cứng ở phía đông California hiện khoảng 4.853 năm tuổi. "Chúng tôi khá bất ngờ với kết quả, tôi đã nghĩ 'ông cố' chỉ khoảng 4.000 tuổi", Barichivich nói.

Ông Nathan Stephenson - nhà khoa học danh dự tại Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ - cho rằng nghiên cứu của Barichivich rất thú vị, tuy nhiên sẽ cần thêm một vài phương pháp kiểm tra chéo trước khi giới khoa học chính thức công nhận kỷ lục cho Alerce Milenario.

Một số nhà sinh vật học khác khó tính hơn. Theo họ, số vòng thân là tiêu chuẩn "vàng" để xác định độ tuổi của cây. "Chúng tôi thường yêu cầu mọi vòng phải được tính đầy đủ", tiến sĩ Ed Cook từ Đại học Columbia (Mỹ) khẳng định.


Du khách đến thăm Alerce Milenario - (Ảnh: CHILE TRAVEL)

Theo Barichivich, độ tuổi chắc chắn trên 4.000 của Alerce Milenario cho thấy nó là một tài sản quý của Chile và cần được bảo vệ tốt hơn. Ông cho rằng việc xây dựng một số công trình cho du khách ngắm "ông cố" có thể gây hư hại cho rễ cây. Chưa kể khí hậu cũng trở nên khô hơn, khiến rễ cây khó lấy nước hơn.

Pablo Cunazza Mardones - quan chức thuộc đơn vị bảo vệ rừng Chile - cho biết hạn chế về ngân sách cũng gây trở ngại cho những nỗ lực bảo vệ cây.

Cập nhật: 24/05/2022 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video