Các nhà khoa học Mỹ bám theo 40 con bạch tuộc có kích thước lớn nhất hành tinh để tìm hiểu tập tính của chúng.
>>> Cách chống lạnh kỳ lạ của bạch tuộc Nam Cực
Tiến sĩ David Scheel, một nhà nghiên cứu của Đại học Alaska Pacific tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp bám theo những con bạch tuộc Enteroctopus dofleini, loài bạch tuộc có kích thước lớn nhất thế giới. Trước đó họ đã gắn thiết bị phát âm thanh lên cơ thể những con bạch tuộc Enteroctopus dofleini.
Bạch tuộc Enteroctopus dofleini được tìm thấy ở các vùng biển phía bắc Thái Bình Dương, bao gồm cả vùng biển thuộc bang Alaska của Mỹ.
Trước đây gắn thiết bị điện tử lên cơ thể bạch tuộc và những động vật thân mềm khác là việc khó khăn đối với các nhà khoa học, bởi người ta chỉ có thể gắn thiết bị vào những bộ phận cứng.
Nhưng nhóm của Scheel đã tìm ra một giải pháp. Họ gắn thiết bị phát âm thanh vào lớp da ở mang của bạch tuộc.
Sau khi gắn thiết bị phát sóng lên cơ thể 40 con bạch tuộc, nhóm nghiên cứu thả chúng xuống nước rồi dùng máy nghe dưới nước để theo dõi chúng.
Kết quả theo dõi trong 20 ngày cho thấy phạm vi hoạt động của bạch tuộc Enteroctopus dofleini lớn hơn so với dự đoán của giới khoa học. Chúng nằm bất động hoặc lẩn trốn kẻ thù trong 94% thời gian trong ngày.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy loài bạch tuộc lớn nhất thế giới sử dụng địa hình đáy biển để định hướng. Chúng nhớ những vật cố định trên đáy biển để tìm đường về hang.