"Thiên đường hay địa ngục" nếu một ngày Internet ngừng hoạt động?

Với nhiều người, cuộc sống không mạng Internet trong vài giờ đã là điều không tưởng. Vậy nếu một ngày Internet ngừng hoạt động thì sao? Hệ lụy của nó là thứ khiến bạn không bao giờ muốn biết.

Trải nghiệm thử rời xa Internet

Jeff Hancock là một giảng viên chuyên nghiên cứu về quá trình tâm lý và xã hội liên quan tới truyền thông trực tuyến tại đại học Stanford (Mỹ). Ông luôn hào hứng với việc giao bài tập lớn vào dịp cuối tuần cho các sinh viên để họ tự trải nghiệm và thảo luận về một vấn đề. Trước năm 2008, Hancock từng thách đố sinh viên của ông không sử dụng mang Internet trong 2 ngày rồi sau đó thảo luận về tác động của việc đó tới chính họ. Các sinh viên đồng loạt chấp nhận thách thức.

Nhưng tới năm 2009, mọi thứ đã hoàn toàn khác. "Khi tôi đặt ra yêu cầu giống với những năm trước, một làn sóng phản đối xuất hiện trong lớp. Các học sinh của tôi thẳng thừng phản đối và cho rằng bài tập tôi giao là phi lí, không công bằng", Hancock chia sẻ.


Bạn có dám thử trải nghiệm không dùng Internet trong một khoảng thời gian nhất định? (Ảnh minh họa: Getty).

Họ phản biện rằng việc không dùng mạng Internet trong 2 ngày, thậm chí thời gian đó là ngày nghỉ, cũng khiến họ không thể hoàn thành bài tập của những lớp, khóa học khác, làm hỏng đời sống xã hội cũng như khiến người thân, bạn bè hay gia đình họ phải lo lắng.

Cuối cùng, vị giảng viên tại đại học Stanford phải nhượng bộ và hủy bài tập. Và kể từ đó, Hancock không còn nghĩ tới việc giao lại những bài tập dạng như thế. "Đó là thời điểm năm 2009. Còn hiện tại, với tốc độ phát triển chóng mặt như hiện nay, tôi chẳng biết sinh viên sẽ phản ứng thế nào nếu tôi đưa ra bài tập ấy. Chưa biết chừng, chúng sẽ báo cáo với ban giám hiệu nhà trường về tôi vì việc này ấy chứ", Hancock hài hước nói.

Internet không phải là "bất khả xâm phạm"

Về lý thuyết, mạng Internet có thể bị cắt đứt hoặc dừng hoạt động trên toàn thế giới trong khoảng thời gian nhất định vì nhiều lý do. Tấn công mạng là một trong số đó. Tin tặc có thể khiến Internet ngừng hoạt động bằng cách tung ra các phần mềm nhắm tới các bộ định tuyến (router), thiết bị quyết định lưu lượng Internet.

Tắt máy chủ tên miền cũng có thể gây ra sự gián đoạn Internet lớn, khiến các trang web không thể tải nổi dữ liệu. Bên cạnh đó, việc dây cáp dưới biển bị hư hỏng cũng ảnh hưởng lớn tới sự kết nối mạng toàn cầu giữa khu vực này với khu vực khác. Những cáp ngầm này không dễ bị phá hủy, song đôi khi những sự cố ngoài ý muốn vẫn xảy ra. Năm 2008, người dân ở Trung Đông, Ấn Độ và Đông Nam Á được phen khốn đốn khi dây cáp ngầm 3 lần bị đứt hoặc hư hỏng. Chính phủ một số nước còn có các 'nút chết' - khi nhấn nút, toàn bộ mạng Internet trên đất nước sẽ dừng hoạt động. Chính quyền Ai Cập từng làm điều này khi còn ở thời kỳ của phong trào Mùa xuân Arab (2011) - nhằm ngăn những người biểu tình liên lạc với nhau.


Ai Cập từng sử dụng "nút chết" để tắt toàn bộ mạng Internet trên toàn quốc trong phong trào Mùa xuân Arab (2011). (Ảnh minh họa: Getty).

Vũ trụ cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm rình rập đối với mạng Internet. Một cơn bão mặt trời lớn có thể phá hủy các vệ tinh, mạng lưới điện và hệ thống máy tính của chúng ta. "Tia lửa mặt trời có thể làm những thứ mà khủng bố và những quả bom không thể", David Eagleman, nhà thần kinh học tại đại học Stanford (Mỹ), nói.

Không có Internet: "Thiên đàng hay địa ngục"

Theo tính toán, tác động của việc Internet dừng hoạt động tới nền kinh tế không quá nghiêm trọng. Năm 2008, bộ An ninh Nội địa Mỹ đã yêu cầu Scott Borg, nhà khoa học làm việc tại đơn vị Xử lý Hậu quả Không gian mạng Mỹ, tính toán điều sẽ xảy ra nếu mạng Internet ngừng hoạt động. Borg và các đồng nghiệp đã phân tích các ảnh hưởng với kinh tế nước Mỹ trong giai đoạn từ năm 2000 trở lại đây. Kết quả cho thấy, những tác động không hề lớn như dự đoán, ít nhất tính từ khoảng thời gian mất mạng không quá 4 ngày.

Trong vài trường hợp, việc mất mạng Internet trong một thời gian ngắn còn giúp tăng năng suất. Một nghiên cứu khác của Borg và các đồng nghiệp phân tích về những điều xảy ra với một công ty khi họ mất mạng khoảng 4 tiếng trở lên. Thay vì ngồi không với máy tính, nhân viên của công ty lại làm những công việc với giấy tờ. Kết quả là một sự thúc đẩy cho công việc.

Mất mạng trong thời gian ngắn cũng có thể không ảnh hưởng quá nhiều tới du lịch và đi lại. Máy bay vẫn có thể bay mà không cần Internet, tàu hỏa và xe bus cũng tương tự. Tuy nhiên, mất mạng trong thời gian dài sẽ có tác động khác. Nó khiến chúng ta khó điều hành công việc.


Khi mạng lưới điện thoại ngừng hoạt động, con người cảm thấy đơn độc và không thoải mái. (Ảnh minh họa: Getty).

Tuy nhiên, hiệu ứng tâm lý như cảm giác bị cô lập và lo lắng, là điều sẽ xảy ra khi mất mạng Internet. "Mạng toàn cầu được thiết kế nhằm một mục đích: Giúp con người giao tiếp với nhau. Chúng ta đang kết nối với mọi người, ở bất cứ đâu hay bất cứ thời điểm nào. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không thể làm thế nữa? Cảm giác hụt hẫng, bị cô lập chắc chắn sẽ đến", Hancock nói.

Một sự việc trong quá khứ đã chứng tỏ phần nào về điều này. Năm 1975, đám cháy tại Công ty Điện thoại New York đã khiến toàn bộ mạng lưới điện thoại của khu vực Manhattan tê liệt trong suốt 23 ngày. Một cuộc khảo sát được tiến hành với 190 người ngay sau khi mạng lưới điện thoại được khôi phục cho thấy, 4/5 số người nói họ nhớ mạng lưới điện thoại, nhất là khả năng của nó giúp họ kết nối với gia đình, bạn bè. Khoảng 2/3 cho biết họ cảm thấy 'đơn độc' và 'không thoải mái' và gần 3/4 nói rằng họ cảm thấy an tâm hơn khi mạng lưới điện thoại được phục hồi.

Cập nhật: 23/02/2017 Theo tintuc
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video