Thiên thạch xuất hiện khi bóng tối còn đang bao trùm và khiến bầu trời thủ đô Buchares, đông nam Romania, rực sáng.
Theo Cơ quan Không gian Romania (ROSA), luồng ánh sáng mạnh theo sau một tiếng nổ lớn được ghi lại trên bầu trời lúc 3h05, rạng sáng ngày 7/1. Thiên thạch tiến vào bầu khí quyển Trái Đất là nguyên nhân tạo ra nguồn sáng này.
Thiên thạch bay qua bầu trời Romania. (Ảnh chụp từ video)
Marius-Ioan Piso, người đứng đầu ROSA, ước tính thiên thạch phát nổ ở độ cao khoảng 50-70km so với mặt đất, qua khu vực giữa thủ đô Bucharest và vùng Vrancea.
"Đây là một hiện tượng khá phổ biến. Chỉ trong đêm qua, khoảng 30 thiên thạch đã được theo dõi tại Mỹ, quốc gia duy nhất có hệ thống giám sát hoạt động của vật thể không gian", RT dẫn lời Piso nói. Ông nhấn mạnh sự xuất hiện của thiên thạch không gây bất kỳ thiệt hại nào ở Romania, song dấy lên lo ngại về sự cần thiết của một hệ thống quan sát các vật thể có thể gây nguy hiểm.
Theo ước tính của các nhà khoa học, mỗi năm có khoảng 500 thiên thạch, phần lớn là có kích thước nhỏ, rơi xuống bề mặt Trái Đất.