Thịt, cá “ngậm” hóa chất: hại thế nào?

Ngoài tồn dư clenbuterol trong thịt gia súc, kết quả phân tích tại một đơn vị xét nghiệm cho thấy trong cá, tôm có fluoroquinolone từ 0-5ppb (phần tỉ), chloramphenicol từ 0-1ppb; trong thức ăn gia súc có albutamol từ 0,5-11ppm (phần triệu).

BS Đào Thị Yến Phi, Trung tâm Đào tạo - bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, cho biết:

BS Đào Thị Yến Phi (Ảnh: TTO)

- Fluoroquinolone và chloramphenicol là hai loại kháng sinh có độc tính cao, chỉ sử dụng với liều nhất định được qui định rất chặt chẽ và đều thuộc nhóm kháng sinh hạn chế sử dụng đối với trẻ em vì ảnh hưởng lên quá trình tăng trưởng. Fluoroquinolone nếu dùng liều cao kéo dài sẽ làm ảnh hưởng trên sụn đầu xương và quá trình tăng trưởng của bé chậm lại, bị lùn. Tác dụng đáng sợ của chloramphenicol là làm suy tủy.

Đơn cử trường hợp tồn dư 5ppb fluoroquinolone - tức tương đương 5microgram/kg thịt, nếu một người ăn trung bình 150 - 200gam thịt/ngày thì lượng fluoroquinolone đưa vào cơ thể khoảng 2microgram/ngày. Với lượng này sẽ không gây độc tính được ngay, nhưng nếu tích lũy lâu dài hoặc ăn quá nhiều sẽ bị tác hại.

Với hàm lượng chloramphenicol trong tôm 0,1ppb, nếu chúng ta ăn 100 - 150gam tôm tức 0,1mcg chloramphenicol/ngày, ở cơ thể người bình thường đây không phải là liều có khả năng gây độc vì gan sẽ tự thải độc chất ra ngoài. Nhưng nếu vào cơ thể người có sẵn bệnh lý gan, thận hoặc có sẵn bệnh lý suy tủy tiềm tàng, rối loạn tăng trưởng sụn xương thì lúc đó khả năng gây độc của hai loại thuốc này không lường trước được.

Ngoài ra, việc sử dụng tràn lan cho vật nuôi các loại kháng sinh trong danh mục thuốc dùng cho người hoàn toàn có khả năng dẫn tới kháng thuốc của vi khuẩn. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến khả năng điều trị các bệnh lý nhiễm trùng trong cộng đồng người.

Với người tiêu dùng, chỉ xin khuyến cáo là nên ăn đa dạng thực phẩm (nhiều loại thực phẩm khác nhau trong cùng một bữa ăn) để tránh nguy cơ ăn tập trung vào một loại thực phẩm có thuốc tồn dư quá cao. Ăn vừa đủ theo nhu cầu khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia: mỗi ngày chỉ 200gam thức ăn giàu đạm các loại (bao gồm thịt, cá, tôm, cua...).

* Trước đây trong chăn nuôi một số người dùng dexamethasone để tăng trọng, nay dùng clenbuterol, tác hại trên người thế nào?

- Dexamethasone thuộc nhóm kháng viêm, làm tăng trọng rất nhanh trên cơ thể tất cả các sinh vật sống vì giữ muối, giữ nước, tác động trên quá trình chuyển hóa chất đường và chất béo, gây tụ mỡ (làm gia tăng quá trình tích tụ mỡ).

Loại thuốc này có rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như: hội chứng cushing (hội chứng cường thượng thận, có những triệu chứng như mập ở vùng vai và mặt, mọc râu, rậm lông, vô kinh thứ phát...), loãng xương, tiểu đường, rối loạn sắc tố da, suy giảm hoạt động của hệ miễn dịch - làm tăng nguy cơ nhiễm trùng...

Còn clenbuterol bị cấm sử dụng vì tác dụng làm tăng chuyển hóa mỡ, mà cấu trúc thành (vách) tế bào thường là mỡ, cho nên sẽ làm tổn thương cả những tế bào bình thường. Sau một thời gian sử dụng có thể gây rối loạn nhịp tim, tổn thương tế bào cơ tim, run cơ, tăng huyết áp, choáng váng, nguy hiểm hơn là có thể gây đột biến tế bào và tạo tiền đề cho các ung thư phát triển.

* Hàm lượng salbutamol trong thức ăn gia súc có mẫu chứa đến 11ppm là khá cao. Điều này gây hại thế nào?

- Salbutamol là loại thuốc có tác dụng kích thích bêta 2 giao cảm, thường được dùng để điều trị suyễn, dọa sẩy thai, dọa sinh non và có tác dụng phụ là làm tăng nhịp tim. Còn sử dụng để làm chất tăng trọng với hàm lượng bao nhiêu thì gây nguy hại như thế nào thì chưa biết.

* Với các chất cấm thì cơ quan quản lý khi xét nghiệm chỉ làm định tính xem có hiện diện hay không. Vậy tồn lưu bao nhiêu, gây tác hại thế nào làm sao biết?

- Các chất trên ảnh hưởng đến sức khỏe tùy thuộc nhiều yếu tố: tùy cơ địa người thải nhiều hay ít, tùy số lượng ăn vào mỗi ngày... Với góc độ chuyên môn thì nồng độ này không gây độc đối với cơ thể (cơ thể sẽ tự chuyển hóa và đào thải) nếu như số lượng thực phẩm ăn vào hằng ngày không vượt quá nhu cầu khuyến nghị và thời gian sử dụng liên tục không kéo dài.

Song cần lưu ý là hàm lượng kiểm định từ một cơ sở xét nghiệm nêu trên là số liệu rất hạn chế với các mẫu đa số thuộc loại tốt. Còn thịt bày bán bên ngoài cho người tiêu dùng thì không hề được kiểm định những chất này, và hàm lượng của những loại thuốc có nguy cơ đến sức khỏe còn tồn lưu trong thực phẩm là điều chưa ai biết được. Thường nấu chín có thể không ảnh hưởng gì đến sự tồn lưu của thuốc trong thực phẩm nhưng đối với người tiêu dùng có thói quen nấu tái hoặc ăn sống thì nguy cơ nghiêm trọng hơn.

Trong dây chuyền từ lúc chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và sử dụng thực phẩm hiện nay còn có quá nhiều kẽ hở để những nguy cơ tác hại trên sức khỏe con người có thể xảy ra mà chúng ta chưa kiểm soát hết được. Nên sớm có luật qui định rõ ràng hàm lượng các loại thuốc sử dụng trong thực phẩm gia súc nếu cần thiết và thời gian sử dụng an toàn để thải thuốc trước khi xuất chuồng. Xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh và sử dụng các loại thuốc tăng trọng nhập lậu, thuốc trong danh mục cấm.      

KIM SƠN thực hiện

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video