Thịt cóc lợi một hại mười

Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa tiếp nhận 3 người bị ngộ độc cóc nặng, trong đó một đã tử vong. Loại thực phẩm được dân gian coi là thuốc bổ này thực chất là thuốc độc rất mạnh, thường xuyên có người chết vì nó. 

Trên da cóc có rất nhiều đốm mủ cực độc (Ảnh: naturephotosociety/VNE).

Tiến sĩ Nguyễn Thị Dụ, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, mỗi năm, cơ sở này tiếp nhận khoảng trên 10 vụ ngộ độc cóc, một số vụ cả mấy người trong gia đình cùng bị. Nhập viện gần đây nhất (ngày 5/2) là 3 bố con người Hưng Nguyên, Nghệ An. Người đàn ông 39 tuổi này bắt được mấy con cóc, trong đó một con cái có trứng. Anh làm thịt ăn cùng hai con nhỏ. Triệu chứng ngộ độc xuất hiện ngay cuối bữa ăn với biểu hiện chóng mặt quay cuồng, đau bụng... Đứa con út 4 tuổi nhanh chóng tử vong. Hai bệnh nhân còn lại được đưa đến trạm y tế địa phương rồi chuyển ra Hà Nội, vào Trung tâm chống đôc cấp cứu. Hiện sức khoẻ của hai cha con đã hồi phục.

Tiến sĩ Dụ cho biết, ngộ độc cóc là một loại cấp cứu nặng, nếu không xử lý kịp, bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh, thậm chí chỉ trong vòng một giờ đồng hồ. Độc tố của cóc gây rối loạn nhịp tim rất nặng, có thể dẫn đến ngừng tim và đây chính là nguyên nhân gây chết người. Chất độc này có ở gan, trứng, ruột và nhất là trên da; trong quá trình chế biến, chúng có thể dính vào thịt và gây độc.

Triệu chứng ngộ độc xuất hiện trong vòng 15-30 phút: chóng mặt, quay cuồng, đau như bị châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân, nôn mửa dữ dội kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, giảm huyết áp; tiếp đến là loạn nhịp tim, co thắt cơ tim... Bệnh nhân cần được cấp cứu lập tức, truyền dịch, dùng thuốc chống loạn nhịp, thậm chí phải sốc điện, dùng máy tạo nhịp và theo dõi nhịp tim liên tục.

Theo bà Dụ, hầu hết người dân đều biết cóc có độc nhưng vẫn có không ít người sử dụng do chủ quan, tin vào sự cẩn thận của mình. Đó chính là lý do các ca ngộ độc cóc vẫn xuất hiện.

"Thịt cóc bổ, giàu đạm và canxi, rất tốt cho những đứa trẻ còi xương, suy dinh dưỡng" - chị Mai Hoa, một công chức ngành bưu điện giải thích về việc dùng thịt cóc cho đứa con 1 tuổi của mình, bất chấp những nguy cơ mà chị đã biết qua sách báo. Gần 1,6 triệu đồng đã ra đi sau khi cái lồng cóc to đùng biến thành lọ ruốc nho nhỏ; còn chị Hoa phấn khởi, yên tâm vì "đã giám sát người ta làm từ đầu đến cuối, sạch sẽ lắm".

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó giám đốc Viện Dinh dưỡng thừa nhận, thịt cóc đúng là một thực phẩm rất giàu đạm và kẽm, vì vậy có tác dụng bồi bổ sức khoẻ tốt. Tuy nhiên, bà Lâm cho rằng chỉ nên sử dụng sản phẩm chế biến sẵn có cấp phép đàng hoàng (Viện Dinh dưỡng cũng có mặt hàng này), không nên tự làm hoặc mua của hàng bán rong vì không có gì đảm bảo là chất độc không bị dính sang thịt.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hưng, chuyên gia dinh dưỡng tại TP HCM, mức độ bổ dưỡng của thịt cóc không đáng cho chúng ta mạo hiểm. Lượng đạm trong thịt cóc cao (khoảng 22%) nhưng cũng chỉ tương đương thịt ếch và thịt gà, lượng kẽm thì không bằng các loại hải sản. Vì vậy, nếu cần bổ dưỡng thì có thể chọn các thực phẩm trên, vừa ngon, vừa an toàn, lại rẻ hơn thịt cóc nhiều lần.

Còn bà Nguyễn Thị Dụ thì cho rằng, cơ quan quản lý thực phẩm nên cấm bán thịt cóc, ruốc cóc tự do, chỉ những mặt hàng có đăng ký mới được phép lưu hành. Nếu không, sẽ có thêm nhiều gia đình bỏ tiền triệu ra để mua thuốc độc.

Hải Hà

Theo Vnexpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video