Từ những chuyến bay vũ trụ đầu tiên, các phi hành đoàn đã mang theo rất nhiều loại thuốc để giữ gìn sức khỏe trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cùng với những loại thuốc đa dụng thông thường có thể được tìm thấy trong bất kỳ bộ dụng cụ cứu nạn nào, họ cũng mang theo các loại kháng sinh khác nhau và các thuốc giảm đau để đối phó với tình trạng khẩn cấp trong tình huống gặp nạn khi cách Trái đất hàng trăm nghìn dặm.
Ngày nay, ISS có một tủ thuốc y tế dự trữ đầy đủ, được cung cấp thường xuyên. Nhưng con người mong muốn tiến xa hơn vào hệ mặt trời, vì thế có nhiều vấn đề đặt ra. Đó là nhiều loại thuốc hết hạn sử dụng và điều kiện khắc nghiệt của du hành vũ trụ có thể khiến thuốc bị phân hủy nhanh hơn nhiều so với trên Trái đất. Khi đó, các phi hành gia thực hiện sứ mệnh tới sao Hỏa có thể mất tới ba năm mới có thể được về đến nơi chăm sóc y tế.
Thuốc sẽ được đặt trong vật liệu thí nghiệm của Alpha Space (hộp màu xanh) bên ngoài trạm ISS. (Ảnh: Space Alpha).
Để khắc phục điều này, một nhóm nhà khoa học do Giáo sư Volker Hessel, Giám đốc Nghiên cứu của Trung tâm Tài nguyên vũ trụ Andy Thomas và là giảng viên tại Trường Kỹ thuật Hóa học và Vật liệu Tiên tiến thuộc Đại học Adelaide dẫn đầu, đã cùng với Alpha Space và Space Tango gửi vỉ chứa 60 viên thuốc tới ISS. Chúng trông giống như những loại thuốc hoàn toàn bình thường, nhưng chúng được thiết kế như thể chúng được sản xuất trong không gian.
Các thành phần hoạt tính trong thuốc là ibuprofen và vitamin C, nhưng các thành phần ổn định bao gồm các chất silica, magie silicat (talc) và canxi photphat, có thể được tìm thấy trên mặt trăng.
Vỉ thuốc này sẽ được đặt trong nền tảng vật liệu thí nghiệm của Alpha Space (MISSE) được lắp đặt bên ngoài trạm vũ trụ. Ở đó, những viên thuốc sẽ được tiếp xúc với chân không, nhiệt độ khắc nghiệt, không trọng lượng và bức xạ cứng của không gian.
Sáu tháng sau, những viên thuốc này sẽ được lấy ra và mang về Trái đất, nơi nhóm các nhà khoa học của Đại học Adelaide sẽ kiểm tra để tìm dấu hiệu mất ổn định và hư hỏng. Mục đích của nghiên cứu là sử dụng dữ liệu này để tìm ra các cách thức cho các phi hành đoàn vũ trụ trong tương lai có thể tự sản xuất thuốc theo nhu cầu.
Giáo sư Hessel cho biết: “Sau sáu tháng ở trong không gian, những viên thuốc được sản xuất tại Đại học Adelaide sẽ trở về Trái đất. Chúng tôi sẽ kiểm tra tác động của môi trường không gian đối với chúng”.
"Những viên thuốc đã được thiết kế để chống bức xạ. Bằng cách thay đổi sự tương tác giữa các thành phần và thuốc, chúng tôi sẽ có thể kiểm tra xem những thay đổi này ảnh hưởng như thế nào đến sự ổn định của chúng", Giáo sư Hessel nói.