Thụ tinh nhân tạo - mặt trái của điều kì diệu

Những đứa trẻ ra đời từ thụ tinh nhân tạo là món quà vô giá với các cặp vợ chồng hiếm muộn. Song, cái giá của kỹ thuật này, cả về tiền bạc lẫn sức khỏe, cũng không phải là nhỏ.

Vợ chồng Kerry và Jeff Mastera đến từ Aurora, bang Colorado (Mỹ) đến giờ vẫn không quên được cảm giác lần đầu tiên nhìn thấy 2 cậu con trai sinh đôi Max và Wes khi chúng chào đời hôm 16/2, sớm trước thời hạn 9 tuần, tại Trung tâm Y tế Thụy Điển ở Denver ( bang Colorado). “Sợ hãi. Lũ trẻ trông như người ngoài hành tinh vậy. Chúng phải thở bằng máy và nuôi ăn bằng ống xông. Hai đứa cũng nhỏ đến nỗi có cảm giác chiếc nhẫn cưới của chồng tôi có thể đeo vừa bàn chân của từng đứa”.

Hai bé nhà Mastera khi 2 tháng tuổi, mỗi bé chỉ nặng hơn 1,3kg khi sinh. Ảnh: NYT.

Tuy nhiên, niềm vui được làm bố mẹ giúp họ nhanh chóng quên đi cảm giác đó. Để được chứng khiến giây phút chào đời tuyệt vời của các con, vợ chồng Mastera từng 4 lần thử bơm tinh trùng vào tử cung song không thành. Cuối cùng, họ quyết định tìm đến thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Kerry nhanh chóng mang thai sau đó và không may, cặp song sinh cũng ra đời nhanh như vậy và phải nằm viện hơn 50 ngày sau khi sinh. Tổng chi phí cho 2 đứa trẻ cho đến khi ra viện là 1,2 triệu USD.

Đến nay, sau 8 tháng, mọi nỗ lực của cha mẹ đã được đền đáp khi 2 cậu bé đều phát triển bình thường.

Không may mắn như thế, Erin và Scott Hare, ở Houston, đã mất cô con gái trong cặp song sinh, cũng ra đời bằng kỹ thuật IVF. Cậu con trai còn lại, Carter, chào đời khi mới hơn 24 tuần, tuy vẫn sống, song phải được chăm sóc y tế lâu dài.

Một cuộc thăm dò ngành công nghiệp sản khoa cho thấy những thành công trong thụ tinh ống nghiệm đều phải trả giá đắt. Trong khi IVF giúp tạo ra hàng nghìn gia đình mới mỗi năm, thì số ca sinh đôi cũng ngày một nhiều, và chúng thường tiềm ẩn những nguy cơ đặc biệt thường bị bỏ qua khi người ta khát con.

Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy 60% trong số các bé ra đời bằng thụ tinh ống nghiệm bị sinh non. Điều đó làm tăng nguy cơ bị tử vong trong những ngày đầu và các loại bệnh lý khác, như chậm phát triển tinh thần, khiếm khuyết ở mắt và tai và học kém về sau. Những phụ nữ mang thai đôi cũng có nguy cơ tai biến thai kỳ cao hơn nhiều.

Theo một nghiên cứu công bố tuần trước của Tổ chức March of Dimes, thụ tinh trong ống nghiệm là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng đẻ non tăng 36% trong vòng 25 năm qua.

Vấn đề nằm ở chỗ các bác sỹ thường bỏ qua lời khuyên của các chuyên gia rằng chỉ nên đặt một phôi vào tử cung người mẹ. Việc sử dụng thêm các phôi thai như một kiểu dự phòng an toàn giúp bác sỹ vượt qua được áp lực phải có con của các cặp vợ chồng, nhưng lại tăng nguy cơ trẻ sinh đôi đẻ non”, Tiến sỹ William E. Gibbons, chủ tịch Hiệp hội Sản khoa Mỹ cho biết.

Trẻ sinh non là gánh nặng kinh tế

Tỉ lệ 12,7% trẻ sinh non tại Mỹ hiện nay được coi là một trong những vấn đề nan giải nhất trong hệ thống y tế. Chi phí hàng năm để chăm sóc trẻ sinh non tại quốc gia này là 26 tỷ USD, trong đó có một tỷ USD dành riêng cho trẻ thụ tinh trong ống nghiệm sinh non.

Những nỗ lực trong vài năm qua của các nhà quản lý y tế ở Mỹ trong việc khuyến khích 483 cơ sở thụ tinh nhân tạo chỉ sử dụng một phôi dường như không đem lại tác dụng. Điều này cũng xuất phát từ thực tế rằng hầu hết phụ nữ dưới 35 tuổi ở nước này tham gia thụ tinh nhân tạo đều không muốn sử dụng một phôi.

Chúng tôi không thể thuyết phục các cặp vợ chồng rằng sinh đôi từ kỹ thuật này là điều không tốt chút nào” - Bác sỹ Maurizio Macaluso thuộc Cơ quan Kiểm soát và phòng chống bệnh tật Mỹ cho biết - “Việc tăng nhanh các cơ sở thụ tinh nhân tạo đang khiến chúng tôi hết sức lo lắng vì ngày càng nhiều các cặp sinh đôi đẻ non tử vong hoặc có các chứng bệnh nguy hiểm trong thời gian qua”. Như một hệ quả tất yếu của một thị trường cạnh tranh khốc liệt, áp lực buộc phải thành công cho mỗi lần thụ tinh đắt đỏ cũng vì thế mà tăng lên với các bác sỹ.

Hai cậu bé Max và Wes giờ đã biết bò, nhưng cha mẹ các em vẫn rất lo về tương lai của chúng. Ảnh: NYT.

Với gia đình Mastera, những lo lắng cho sức khỏe của lũ trẻ giờ đây lớn dần lên từng ngày. “Mỗi ngày nhìn chúng lớn lên tôi lại thấy đau nhói và thực sự lo cho tương lai của chúng”. Bất chấp việc hai cậu bé Max và Wes đã có thể bò và đứng lên, Mastera vẫn cảm thấy có tội: “Tôi không chắc liệu tôi sẽ mãi mãi quên đi hình ảnh chúng những ngày đầu ra viện. Đôi khi tôi vẫn bị ám ảnh và không thoát ra được suy nghĩ rằng tôi đã làm điều gì đó sai lầm khiến chúng phải chào đời sớm hơn những đứa trẻ khác”.

Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video