Thuốc lá điện tử khác thuốc lá nung nóng như thế nào?

Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều thuộc thế hệ mới, khác nhau về thiết kế thiết bị, song không có bằng chứng cho thấy ít gây hại hơn thuốc lá thông thường.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa thuốc lá điện tử là sản phẩm có hệ thống phân phối điện tử (e-cigarette) dạng thiết bị hay tách riêng các bộ phận. Sản phẩm được thiết kế để tạo ra sol khí cho người dùng hít vào.

Thuốc lá điện tử được vận hành bằng cách làm nóng dung dịch các chất chứa nicotine hoặc không chứa nicotine, chất tạo hương vị. Những chất này thường hòa tan thành propylene glycol và/hoặc glycerine, không chứa thành phần thuốc lá.

Có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu). Ngoài ra, còn nhiều hợp chất khác có trong sol khí hay khói tạo ra từ thuốc lá điện tử và gần 20.000 loại hương vị khác nhau.

Còn thuốc lá nung nóng là sản phẩm tạo ra các sol khí có chứa nicotine và hóa chất độc hại khi thuốc lá được làm nóng, hoặc khi một thiết bị có chứa thuốc lá được kích hoạt. Những sol khí này được người dùng hít vào bằng cách sử dụng một thiết bị. Chúng chứa chất gây nghiện cao, nicotine cũng như các chất phụ gia không thuốc lá, và thường có hương vị.

Như vậy, điểm khác biệt giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là thiết kế, trong đó một loại có trang bị hệ thống điện tử còn một loại không có, theo WHO.

Thuốc lá nung nóng có chứa thành phần thuốc lá truyền thống, còn thuốc lá điện tử thì không chứa. Những tinh chất, dung dịch trong hai sản phẩm là do người dùng hoặc người sản xuất cho vào và tùy ý theo nhu cầu. Điều này dẫn đến khó kiểm soát các loại dung dịch trong thuốc lá thế hệ mới, không loại trừ chất gây nghiện, thậm chí ma túy.

"Không có bằng chứng nào chứng minh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn thuốc lá điếu thông thường", đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, thêm rằng thực tế, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe, đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Khói thuốc lá điện tử có chứa các chất độc hại gồm aceton, acrolein, acet-aldehyde, formaldehyde, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), nitrosamine đặc trưng của thuốc lá (TSNA), kim loại. Nồng độ chì, crom, niken và fomandehit được tìm thấy trong khói của một số sản phẩm thuốc lá điện tử ở mức bằng hoặc cao hơn thuốc lá điếu thông thường.

Khói thuốc lá nung nóng chứa các hóa chất độc hại tương tự như khói thuốc lá điếu thông thường. Nồng độ một số hóa chất trong thuốc lá nung nóng thấp hơn thuốc lá điếu thông thường. Tuy nhiên nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn, tạo ra những chất mới không có trong thuốc lá điếu thông thường, có khả năng gây hại cho sức khỏe.


Thuốc lá điện tử núp bóng dưới hình dạng hộp sữa, nhắm đến người trẻ. (Ảnh: Hạnh Nguyên).

Thuốc lá thế hệ mới không giúp cai nghiện thuốc lá

"Mặc dù các nhà sản xuất thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tuyên bố đây là giải pháp thay thế cho người hút thuốc và không nhắm vào giới trẻ, nhưng bằng chứng thực tiễn cho thấy sản phẩm hướng tới một lượng lớn khách hàng mới chưa từng hút thuốc bao gồm cả phụ nữ và trẻ em", ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Khám Chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết, ngày 15/5.

Ông đồng thời khẳng định chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện. Ngược lại, bằng chứng cho thấy người sử dụng sản phẩm thế hệ mới tăng nguy cơ sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc lá. Nghiên cứu cho thấy người chưa bao giờ hút thuốc lá nhưng sử dụng thuốc lá điện tử thì có nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn 3,5 lần.

Không ít quốc gia ghi nhận nhiều người dùng đồng thời hai loại. Đơn cử ở Mỹ, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) ghi nhận hầu hết người sử dụng thuốc lá điện tử để cai thuốc lá đều không bỏ được. Thay vào đó, họ tiếp tục sử dụng đồng thời cả hai. Các nghiên cứu khác cho thấy khoảng 70% người ở Nhật Bản và 96,2% người ở Hàn Quốc sử dụng đồng thời thuốc lá điếu thông thường và loại nung nóng .

Ông Khuê nói: "Việc khuyến khích người hút chuyển sang thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không giúp họ bỏ thuốc lá mà ngược lại tiếp tục duy trì tình trạng nghiện nicotine và phơi nhiễm với nhiều hóa chất độc hại khi sử dụng đồng thời nhiều loại".

Tại Việt Nam, Bộ Y tế điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 11 tỉnh thành, cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% (năm 2023). Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ này tăng hơn gấp đôi, từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Ở nữ tuổi 11-18, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.

Năm 2023, Việt Nam ghi nhận hơn 1.200 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên. Vì vậy, các chuyên gia y tế đề xuất khẩn cấp cấm sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử.

Hiện ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, 18 nền kinh tế cấm thuốc lá nung nóng. Khu vực ASEAN, 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử và cả thuốc lá nung nóng là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia.

"Quan điểm của Bộ Y tế đối với thuốc lá thế hệ mới là cấm tuyệt đối", ông Khuê cho hay. Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.

Hôm 13/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương áp dụng nhiều biện pháp tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tác hại của thuốc lá điện tử, nung nóng.

Cập nhật: 17/05/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video