Tìm hiểu về vũ khí nhiệt và hệ thống liên lạc "tiếng nói của Chúa" của quân đội Mỹ

Tưởng chỉ có trong phim viễn tưởng, nhưng đây lại là hàng thật 100%.

Hồi đầu tuần này, trang NPR đã đăng tải một bản tin trong đó trích dẫn cuộc trao đổi giữa một sỹ quan cảnh sát với đồng nghiệp là Vệ binh Quốc gia đang đóng tại Washington D.C. Cụ thể, người sỹ quan này đã hỏi rằng Vệ binh Quốc gia liệu có sở hữu món vũ khí nhiệt gây sát thương nào có khả năng dùng để giải tán người biểu tình hay không. Anh này còn thắc mắc về một hệ thống liên lạc âm thanh siêu mạnh được so sánh với "tiếng nói của Chúa".


Một thiết bị ADS tại Arizona năm 2017.

Món vũ khí nhiệt này, Active Denial System (ADS), là một thứ hoàn toàn có thật, và hệ thống âm thanh có tên gọi Long Range Acoustic Device (LRAD) kia cũng vậy.

Theo các tài liệu đăng tải bởi NPR, một thành viên của Vệ binh Quốc gia khi đề cập đến câu hỏi nói trên đã khẳng định: "Vệ binh Quốc gia không sở hữu cả LRAD lẫn ADS"

Trên thực tế, ADS là một hệ thống thuộc quân đội Mỹ, và nó đã xuất hiện được một thời giản ồi. Để hiểu được tại sao cỗ máy viễn tưởng không sát thương này lại được phát triển, bạn cần quay về những năm 1990 - theo Mark Cancian, cố vấn cao cấp cho chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ.

"Hệ thống này là kết quả của những gì Bộ Quốc phòng phải đối mặt tại Bosnia và Somalia vào những năm 1990. Tại cả hai nơi, quân đội phải giải quyết xung đột với thường dân, những người có thể có hành vi bạo lực nhưng không thực sự là những lính chiến" - Cancian nói. Mục đích tạo ra loại công cụ mới này là để dung hoà giữa súng đạn và dụng cụ kiểm soát đám đông tầm gần, như khiên chắn và gậy gộc.

Cancian từng có trải nghiệm tương tự. Ông đã phục vụ trong lực lượng lính thuỷ đánh bộ suốt 11 năm, và cũng có thời gian chỉ đạo Bộ phận Lực lượng đánh bộ (một phần của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng) từ 1995 - 2006. Công việc của ông là kiểm soát ngân sách và chương trình của một tổ chức trước đây gọi là Joint Non-Lethal Weapons Directorate (Tổng cục Vũ khí phi sát thương). Ngày nay, tổ chức này được đổi tên thành Joint Intermediate Force Capabilities Office.

Trước diễn biến tại Bosnia và Somalia, Bộ Quốc phòng Mỹ đã "thành lập Tổng cục Phi sát thương này để nghiên cứu hàng loạt công nghệ mới".

"Rất nhiều trong số chúng dùng để kiểm soát đám đông, nhưng còn có một số vũ khí chống hạm và chống phương tiện cơ giới nữa" - ông nói thêm.

Thiết bị âm thanh tầm xa (LRAD)

Nếu như ADS là một vũ khí phi sát thương, thì LRAD là một hệ thống liên lạc. Nó xuất hiện sau cuộc tấn công vào tàu USS Cole năm 2000, vụ việc mà David Schnell - phó chủ tịch Genasys, công ty phát triển LRAD - nhận định rằng là bằng chứng cho thấy cần phải trang bị cho quân đội một giải pháp nào đó để có thể thông báo mọi thứ một cách rõ ràng cho mọi người từ xa. Thiết bị này tạo nên một tia âm thanh 30 độ bay xa 230 mét, hoặc thậm chí là hơn 1,37 km tuỳ từng mẫu. Schnell cho biết mọi lực lượng thuộc quân đội lẫn Vệ binh Quốc gia đều sử dụng LRAD, và Hải quân thì trang bị một hệ thống LRAD cho từng tàu của họ.

Ông còn cho biết LRAD cũng được sử dụng bởi các đơn vị dân sự, như các sở cảnh sát hay cứu hộ. "Quá trình hướng dẫn và tập huấn điều khiển thiết bị chú trọng nhiều vào tính trách nhiệm, khả năng vận hành hệ thống an toàn" - Schnell nói trong email.


LRAD trên tàu USS Bataan năm 2019.

Cancian nhớ lại rằng từng chứng kiến LRAD thử nghiệm tại Iraq vào năm 2007. "Nó giống như giọng nói của Chúa vậy" - ông nói. Trên thực tế, đó chính là biệt hiệu của hệ thống này. Ông chỉ ra rằng không như một chiếc loa, âm thanh tạo ra bởi LRAD là "một tia rất cô đọng". Quân đội Mỹ tận dụng nó tại các điểm kiểm tra ở Iraq nhằm đảm bảo thường dân nghe được các chỉ dẫn kể cả khi họ đang ngồi trong một chiếc xe ồn ào với nhạc xập xình từ radio, và qua đó sẽ không bị trúng đạn đáng tiếc.

Hệ thống từ chối chủ động (ADS)

Tiếp theo, chúng ta sẽ nói đến ADS - vũ khí nhiệt đã nhắc đến ở đầu bài. Nó hoạt động dựa trên nguyên lý tạo ra sóng radio, cụ thể là một "tia cô đọng các sóng milimet tần số 95GHz". Tia này "chỉ có khả năng xuyên qua da khoảng 0,4 mm" mà thôi. Vũ khí này đã được thử nghiệm trên các tình nguyên viên, và đã có hai trường hợp bị bỏng vì nó, một vào năm 1999 và một vào năm 2007.

Cancian nói rằng ông đã thấy ADS hoạt động, nhưng chưa tự mình trải nghiệm nó. Ông nhấn mạnh rằng nó không phát ra tia hồng ngoại, mà thay vào đó là các sóng milimet nông có khả năng gây sát thương. "Điều bạn cảm nhận được không phải là da đang bị nấu chín, mà là một cảm giác nhoi nhói" - ông nói. "Nếu bạn chạy khỏi đường bắn của tia, da bạn sẽ không bị đỏ tấy lên". Những người từng trải nghiệm ADS cho biết "nó cảm giác như da bạn đang bốc lửa".

Không rõ hệ thống này đã bao giờ được sử dụng trong tác chiến hay chưa - Cancian nói rằng ông không biết, dù có báo cáo cho thấy câu trả lời là "chưa". Jamal Beck, người phát ngôn công khai của Join Intermediate Force Capabilities Office ở Quantico, Virginia, tiết lộ trong email rằng còn có "hai hệ thống ADS nguyên mẫu" tồn tại nhưng chúng "chưa được bàn giao cho Lực lượng lính thuỷ đánh bộ hoặc thậm chí là nằm trong kho của lính thuỷ đánh bộ". Các báo cáo của trang Wired từ năm 2012 và 2010 chỉ ra rằng ngay cả khi ADS đã được chuyển đến Afghanistan, nó cũng chưa từng được sử dụng ở đó.

Xét cho cùng, một vũ khí như ADS rõ ràng không phải là thứ có thể xếp "cùng mâm" với các loại vũ khí truyền thống khác. Theo Philipp Bleek, phó giáo sư tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey, "việc khiến người ta có cảm giác bị thiêu đốt - thiêu đốt cực mạnh - thật sự là điều kinh hoàng đối với mọi người".

Cập nhật: 10/07/2021 Theo VnReview
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video