Các nhà khoa học tại Đại học Karolinska ở Thụy Điển đã tìm thấy một kháng thể trung hòa kích thước nhỏ (nanobody) có thể ngăn chặn sự xâm nhập của coronavirus SARS-CoV-2 vào tế bào con người.
Các chuyên gia cho rằng nó có thể được sử dụng như một chất bảo vệ chống lại sự lây nhiễm của virus, ngăn chặn Covid-19 chuyển sang thể nặng. Kết quả nghiên cứu được trình bày trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature Communications.
Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia đã tiêm protein S của coronavirus vào lạc đà Alpaca. Sau 60 ngày, trong mẫu máu của con vật thí nghiệm phát hiện thấy phản ứng miễn dịch mạnh mẽ chống lại protein S (protein "gai" đặc trưng của coronavirus).
Sau đó, các nhà khoa học phân lập và nhân bản các kháng thể trung hòa, nhờ đó xác định được cấu trúc của chúng để tiếp tục đánh giá hiệu quả chống lại SARS-CoV-2. Kết quả cho thấy kháng thể Ty1 đó có khả năng vô hiệu hóa virus một cách hiệu quả khi bám vào protein “gai” ở vị trí liên kết với thụ thể ACE2.
Các nanobody có một số lợi thế so với các kháng thể thông thường. Chúng có kích thước nhỏ hơn 1/10 so với các kháng thể thông thường và thường dễ sản xuất trên quy mô lớn với chi phí thấp hơn.
Các nhà khoa học hiện đang bắt tay vào quá trình thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật để nghiên cứu hoạt tính trung hòa và tiềm năng điều trị của Ty1 trong cơ thể động vật.