Hóa thạch cuốn chiếu được tìm thấy trên đảo Kerrera của Scotland trở thành mẫu vật bọ lâu đời nhất thế giới, theo nghiên cứu mới của Đại học Texas.
Mẫu vật khoảng 425 triệu năm tuổi tiết lộ động vật nhiều chân đã có mặt trên Trái Đất sớm hơn bất kỳ loài côn trùng, nhện hay sâu bọ "kinh dị" nào khác, theo trưởng nhóm nghiên cứu Michael Brookfield từ Trường Khoa học Địa chất Jackson thuộc Đại học Texas, Mỹ. Phát hiện này cung cấp bằng chứng mới về nguồn gốc cũng như quá trình tiến hóa của bọ và thực vật.
Hóa thạch của một con cuốn chiếu cổ đại được tìm thấy ở Scotland. (Ảnh: British Geological Survey).
Dựa trên các phân tích zona (khoáng chất cực nhỏ bên trong hóa thạch), các nhà nghiên cứu xác định cuốn chiếu cổ đại đã rời khỏi môi trường ao hồ để chuyển tới các hệ sinh thái rừng phức tạp trong một quá trình kéo dài 40 triệu năm.
"Đó là một bước nhảy lớn đối với những sinh vật nhỏ bé này và dường như nó không mất nhiều thời gian như những gì các nhà khoa học từng nghĩ. Chúng đã trải qua một quá trình bức xạ tiến hóa nhanh chóng từ các thung lũng trên núi xuống vùng thấp hơn, sau đó lan rộng ra toàn thế giới", Brookfield cho hay.
Đảo Kerrera ở Scotland. (Ảnh: Michael Brookfield).
Các nghiên cứu trước đây dựa trên kỹ thuật "đồng hồ phân tử" cho rằng động vật nhiều chân cổ đại xuất hiện trên Trái đất muộn hơn tới 75 triệu năm. Kỹ thuật chiết xuất zona là một phương pháp xác định niên đại hóa thạch cải tiến được phát triển bởi nghiên cứu sinh tiến sĩ Stephanie Suarez từ Đại học Houston của Mỹ, một thành viên trong nhóm nghiên cứu.
Mẫu vật cuốn chiếu ở Kerrera mặc dù được cho là hóa thạch bọ lâu đời nhất, Brookfield cùng các cộng sự tin rằng thực tế chắc chắn còn những hóa thạch lâu đời hơn nhưng chúng chưa được tìm thấy. Chi tiết nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Historical Biology hôm 13/5.