Bọ đuôi bật được phát hiện sau nửa thế kỷ biến mất, giúp các nhà nghiên cứu theo dõi sự biến đổi của dải băng Nam Cực qua hàng triệu năm.
Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Byron Adams, giáo sư tại Đại học Brigham Young, bang Utah, Mỹ, tái phát hiện loài sinh vật biển giống côn trùng mang tên bọ đuôi bật ở dải băng Tây Nam Cực. Loài vật này được tìm thấy lần đầu tiên vào những năm 1960 nhưng vắng bóng suốt nhiều thập kỷ. Nhóm nghiên cứu đặt biệt danh cho chúng là "hồn ma Nam Cực" do bản tính ẩn dật. Họ công bố kết quả phân tích dữ liệu gene của loài này trên tạp chí PNAS.
Hình dáng của bọ đuôi bật. (Ảnh: Daily Star).
Theo Adams, bọ đuôi bật đã sống trên lục địa đóng băng suốt 18 triệu năm, trải qua 30 kỷ băng hà. Thông qua lịch sử sinh tồn của chúng, các nhà nghiên cứu có thể suy ra sự thay đổi và vận động của dải băng theo thời gian cũng như tác động tới hệ sinh thái. Dữ liệu gene của bọ đuôi bật giúp chứng thực những giai đoạn biến đổi khí hậu ở vùng biển Ross của Nam Cực.
Adams và cộng sự mất 20 năm thu thập mẫu vật của 6 loài bọ đuôi bật khác nhau ở 91 địa điểm trên khắp Nam Cực. Chúng sống trong đất, di chuyển rất hạn chế và chỉ phân bố ở các khu vực không có băng. Trong suốt kỷ băng hà, dải băng mở rộng ra biển, môi trường sống của chúng thu hẹp. Ngược lại, vào thời kỳ ấm hơn, chúng có thể di chuyển qua mặt nước. Việc nghiên cứu nơi ở hiện nay, mô hình tiến hóa và phân hóa về gene của chúng cho phép các nhà nghiên cứu hiểu rõ dải băng Tây Nam Cực thay đổi như thế nào theo thời gian.
"Lịch sử tiến hóa của bọ đuôi bật có thể cung cấp ước tính độc lập về cách dải băng thay đổi trong quá khứ và giúp dự đoán điều gì sẽ xảy ra với dải băng trong tương lai khi Trái đất trở nên ấm hơn", Adams cho biết.