Một giả thuyết cho rằng tổ tiên xa xưa nhất của loài người là cá. Chính các loài cá thời tiền sử đã lát đường cho quá trình tiến hoá hiện nay.
Vào khoảng 360 triệu năm về trước, một cuộc đại diệt chủng đã làm đảo lộn sự sống trên Địa cầu, quét sạch hầu hết loài cá đang sống vào thời kỳ đó. Các loài có may mắn thoát chết đã mở ra một thời kỳ mới cho sự đa dạng của các loài có xương sống hiện đại.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Chicago là Tiến sĩ Lauren Sallan mô tả lại: “Mọi thứ đều bị phá vỡ, sự diệt chủng mang tính toàn cầu. Nó tổ chức lại sự đa dạng sinh học của động vật có xương sống ở cả hai môi trường nước ngọt và nước mặn và tạo ra một thế giới hoàn toàn khác”.
Đây là tổ tiên loài người?
Cuộc diệt chủng xảy ra gần như kết thúc Kỷ nguyên cá (kỷ Devon, từ 416 triệu đến 359 triệu năm trước) để nhường chỗ cho các loài có mặt trong môi trường nước của Trái đất.
Những con cá có lớp vỏ cứng (placoderm - cá da tấm) và những con cá có vây thùy (lobe-fin - tương tự như loài cá thở bằng phổi hiện nay) thống trị thế giới nước, trong khi loài cá vây tia (ray-fin), cá mập và động vật có 4 chân (tetrapod) chỉ là thiểu số.
Nhưng giữa kỷ Devon và kỷ Cacbon (Carboniferous) tiếp theo, cá da tấm lại biến mất và cá vây tia nhanh chóng thay thế cá vây thùy thành nhóm đa số, và cuộc “chuyển dịch dân số” này vẫn diễn ra dai dẳng đến ngày nay.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Chicago là Tiến sĩ Michael Coates cho biết: “Có một biến cố lớn chưa rõ vào cuối kỷ Devon. Biến cố này đã đưa mọi việc trở về điểm xuất phát ban đầu và một số loài “tụt hậu” lại thoát được tai họa một cách ngoạn mục để sống sót”.
Trước khi tuyệt chủng, các loại cá vây thuỳ và động vật bốn chân đã có những cuộc di chuyển đầu tiên lên sống trên cạn.
Những loài sống sót dường như là các tổ tiên xa xưa nhất của đa số các loài có xương sống trên đất liền ngày nay, bao gồm cả loài người.
Công trình nghiên cứu này được công bố vào cuối tháng 5 trên Tạp chí: Proceedings of the National Academy of Sciences.
Nguồn: MSNBC.com