Tòa nhà bị "ghét" nhất thế giới vì "khả năng" làm nhà cửa, xe cộ xung quanh biến dạng

Tòa nhà này không ít lần làm chảy những chiếc ô tô đỗ bên dưới. Nhiệt độ cao nhất đo được quanh tòa nhà là 117 độ C.

Không chỉ được biết đến là tòa nhà cao thứ 13 ở London, tòa nhà chọc trời Walkie Talkie còn “nổi tiếng” với khả năng làm biến dạng xe cộ và nhà cửa xung quanh.

Walkie Talkie tọa lạc ngay thủ đô London (Anh) đã nhận được số phiếu bình chọn cao nhất trong chương trình Carbuncle Cup và “ẵm” danh hiệu tòa nhà bị ghét nhất nước Anh, và là một trong những tòa nhà bị chỉ trích nhiều nhất thế giới.

"Đây là một sự lựa chọn chiếm đa số, tất cả các giám khảo đều nhất trí chiến thắng thuộc về Walkie Talkie. Rất khó để tìm thấy ai thực sự thích nó; tất nhiên phiếu bình chọn thích là có, nhưng chỉ là thiểu số", Thomas Lane, biên tập tạp chí Building Design cho biết.

Được xây dựng vào năm 2009 và hoàn thành vào năm 2014, Walkie Talkie có địa chỉ tại số 20 đường Fenchurch, thành phố London này cao 37 tầng, diện tích 33.000m2, được bao phủ bằng kính. Theo tạp chí Building Design, tòa này này được thiết kế bởi kiến trúc sư Rafael Viñoly, người Uruguay. Công trình này được đặt tên như vậy bởi thiết kế đặc trưng giống như một chiếc bộ đàm. Tổng vốn đầu tư xây dựng tòa nhà lên tới 200 triệu bảng Anh (tương đương 5.300 tỉ VND).

Nhìn qua, ai cũng phải công nhận toà nhà này có thiết kế kiến trúc rất đẹp và lạ, hiện đại và nổi bật. Tuy nhiên, nó lại vấp phải đủ mọi chỉ trích. Lý do ở chỗ toà nhà được thiết kế cong cả bốn mặt và lắp kính. Càng lên cao, tòa nhà càng phình ra, đi ngược lại nguyên tắc thiết kế phía trên phải thon gọn hoặc diện tích sàn bằng các lầu bên dưới.


Walkie Talkie là một trong những tòa nhà bị chỉ trích nhiều nhất thế giới.

Theo kiến trúc sư Eleanor Jolliffe, cách thiết kế này nhằm tối đa hóa số phòng và không gian ở các tầng trên, nơi mà giá cho thuê rất đắt đỏ. Thế nhưng, phải đến khi lắp kính lên thì các nhà thiết kế mới nhận ra nhược điểm của nó, đó được coi là một sai phạm rất đơn giản nhưng rất tai hại.

Theo đó, kiến trúc mở rộng ở phần trên cùng thiết kế cong với những tấm kính bao quanh biến tòa nhà này trở thành một lòng chảo hội tụ ánh nắng và phản chiếu xuống đường. Mặt bắc và nam của tòa nhà có hình cầu lõm còn mặt đông và tây có hình cầu lồi. Sức nóng này có thể lên tới gần 100 độ C, thậm chí có thời điểm, nhiệt độ cao nhất đo được quanh tòa nhà là 117 độ C.

Điều này đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân xung quanh. Ánh nắng mặt trời được tập trung năng lượng đến mức không chỉ gây chói loà mắt người, mà còn đốt cháy cả thảm trải trước cửa nhà và làm nóng chảy của không ít bộ phận bằng nhựa trong ô tô đỗ dưới đường. Nó cũng được cho là nguyên nhân khiến những chiếc ô tô đỗ bên dưới méo mó, gây giận dữ cho các tài xế.


Những tấm kính bao quanh biến tòa nhà này trở thành một lòng chảo hội tụ ánh nắng cực mạnh.

Martin Lindsay, chủ chiếc xe hơi đắt tiền Jaguar đã nhận khoản bồi thường 946 bảng Anh sau một lần đỗ xe cạnh tòa nhà tai tiếng này. Sức nóng khủng khiếp đã khiến gương chiếu hậu, khung xe và biểu tượng hãng xe biến dạng. Chưa hết, nhiệt độ cao tỏa ra từ những tấm kính thậm chí còn đốt cháy tấm thảm chùi chân của một cửa hàng lân cận.

Giữa thủ đô từng được coi là "xứ sở của sương mù" này, chỉ cần vài giờ trong một số ngày có đủ nắng mặt trời, cái nóng như muốn thiêu đốt tất cả xuất hiện quanh tòa nhà Walkie Talkie. Một người dân sống gần tòa nhà Walkie Talkie tỏ ra lo lắng: "Tôi cảm thấy không thoải mái mỗi khi đứng dưới tòa nhà này, tôi không biết liệu nó có nguy hiểm đối với sức khỏe con người không bởi tòa nhà luôn tỏa ra những chùm sáng mạnh".

Ngoài ra, ánh sáng quá mạnh cũng có thể làm ảnh hưởng tới khả năng quan sát giao thông của các lái xe, đặc biệt là trong mùa hè khi ánh sáng lóa sẽ càng mạnh hơn và ngày cũng dài hơn. Kiến trúc sư Jolliffe mô tả, Walkie Talkie như là một "nhân vật phản diện với tháp Bond" vì nó có thể làm tan chảy xe của bạn với một chùm ánh sáng mặt trời từ không gian.

Cái nóng như muốn thiêu đốt tất cả xuất hiện quanh tòa nhà Walkie Talkie.

Một điểm tai hại nữa là tòa nhà đã tạo ra những khe hút gió mạnh khiến việc di chuyển của người dân ở các phố lân cận trở nên khó khăn và khiến các biển hiệu nhà hàng, xe đẩy hàng, thậm chí người đi đường bị thổi bay. KTS trưởng Rafael Vinoly cũng phải thừa nhận, công trình đã mắc những sai lầm nghiêm trọng và ông không ngờ, nhà có thể tạo nên sức nóng tới vậy.

Để tạm thời giải quyết tình trạng này, nhà phát triển dự định dựng một tấm màn rộng 4m, dài 15m để che chắn cho người dân và các doanh nghiệp gần đó. Về lâu dài, họ không định thay đổi về cơ bản cấu trúc tòa nhà, mà đang tìm các biện pháp khác như sử dụng tấm film hóa học bọc ngoài kính làm khuếch tán ánh nắng mặt trời.

Ngoài Walkie Talkie, danh sách các công trình bị ghét nhất còn ghi nhận vài cái tên khác, như tòa nhà 15 tầng City Gateway ở thành phố Southampton (hạt Hampshire, phía nam nước Anh), vòm nối giữa tòa thị chính Manchester và Thư viện trung tâm.

Cập nhật: 13/09/2024 PNVN
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video