Vẫn là câu chuyện đã được nhắc đến từ lâu, nếu có thể kiềm chế nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng dưới 2 độ C, nhân loại có thể tránh được thảm cảnh tuyệt chủng nhiều hệ sinh thái trong tự nhiên ít nhất trong thập kỷ này.
Thế giới đang trải qua cuộc tuyệt chủng lần thứ sáu và như nhiều báo cáo khoa học đã chỉ ra, tình trạng ấm lên của Trái Đất là nguyên nhân chính khiến nhiều loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng. Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature mới đây đã đào sâu hơn vào cuộc khủng hoảng khí hậu này và đánh giá những tác động của nó với toàn bộ hệ sinh thái.
Nếu thế giới vượt qua các ngưỡng nhiệt độ nhất định và đủ loài trong một hệ sinh thái bị diệt vong, toàn bộ cấu trúc của hệ sinh thái có thể sụp đổ. Nhóm tác giả nghiên cứu nhận thấy, khủng hoảng khí hậu sẽ khiến hệ sinh thái "đột ngột sụp đổ" khi vượt quá ngưỡng chịu đựng.
Khủng hoảng khí hậu sẽ khiến hệ sinh thái "đột ngột sụp đổ" khi vượt quá ngưỡng chịu đựng.
Sử dụng dữ liệu khí hậu từ năm 1850 đến 2005, nhóm tác giả đã xác định mức nhiệt độ trung bình hàng năm ấm nhất mà khoảng 30,6 ngàn loài vật, bao gồm chim, động vật có vú, bò sát, lưỡng cư, cá và thực vật đã từng chịu đựng được. Sau đó, họ tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các dự báo khí hậu tới năm 2100. Dữ liệu này rất quan trọng vì nó giúp dự đoán khi nào các loài có thể phải đối mặt với nhiệt độ cực đoan, vượt quá sức chịu đựng của chúng.
Cách tiếp cận khác với nhiều báo cáo trước đó khi chỉ nhắc đến các loài riêng lẻ hoặc tập trung minh họa số lượng loài có thể mất dần trong một thời điểm cụ thể trong tương lai. Các phát hiện cho thấy, nhiều loài trong hệ sinh thái sẽ phải chịu đựng nhiệt độ cao chưa từng thấy cùng lúc, tạo ra sự gián đoạn đột ngột và làm đảo lộn hoàn toàn hệ sinh thái.
Alex Pigot, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu tại Đại học College London chia sẻ: "Trong một khu vực nhất định, hầu hết các loài sẽ phải sống trong các điều kiện mà trước đây chúng chưa từng gặp phải. Do đó chúng ta có bằng chứng rõ ràng về việc các loài như vậy có thể sống sót. Tuy nhiên… một khi nhiệt độ tăng lên đến mức cực điểm và chưa một loài từng trải qua, các nhà khoa học có rất ít bằng chứng để khẳng định về khả năng sống sót của chúng".
Nếu khí thải nhà kính tiếp tục tăng và hành tinh tiếp tục ấm lên, nhiệt độ của nhiều đại dương vùng nhiệt đới có thể đạt tới ngưỡng cực điểm. Tất nhiên điều này sẽ dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ sinh thái vào năm 2030. Và đã có những dấu hiệu về tác động của việc nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1 độ C kể từ cuộc cách mạng công nghiệp.
Tiếp xúc với nhiệt độ ở mức nguy hiểm dưới đại dương sẽ dẫn tới những cuộc tẩy trắng san hô hàng loạt.
Pigot nhấn mạnh: "Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra, việc các loài tiếp xúc với nhiệt độ ở mức nguy hiểm dưới đại dương sẽ dẫn tới những cuộc tẩy trắng san hô hàng loạt mà chúng ta đang thấy ở rạn san hô Great Barrier Reef".
Thực tế là vậy khi một nghiên cứu được công bố mới đây cho thấy các sự kiện tẩy trắng sang hô đang diễn ra trên quy mô lớn. Mặc dù hệ sinh thái trong các cánh rừng nhiệt đới và các khu vực có vĩ độ cao hơn thường có khả năng chịu được nhiệt độ cao hơn. Tuy nhiên những khu vực này vẫn phải chịu tác động cực đoan tương tự như các đại dương vào năm 2050.
Các nhà khoa học cho rằng, nếu thế giới có thể chung tay kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với nhiệt độ trước thời kỳ tiền công nghiệp, phần lớn tác động của những sự kiện hủy diệt hệ sinh thái sẽ được ngăn chặn. Nói cách khác sẽ có ít hơn 2% hệ sinh thái trên toàn cầu sẽ trải qua những thay đổi đột ngột.
Pigot khẳng định, bằng cách giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C, chúng ta có thể làm phẳng đường cong rủi ro khí hậu đối với sự đa dạng sinh học, đồng thời trì hoãn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với sự tồn vong của nhiều loài sinh vật trong những thập kỷ tới.
Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Nature mới đây.