Theo một nghiên cứu mới đây, tình trạng Trái đất ấm lên có thể sẽ bị gián đoạn trong 10 năm tới và một chu kỳ tự nhiên kéo dài 30 năm ở biển Đại Tây Dương chính là nguyên nhân gây ra khoảng thời gian “tạm dừng” được cho là bắt đầu từ năm 1999 này.
Các nhà nghiên cứu nhận định chu kỳ trên có thể tiếp tục "nhấn chìm" nhiệt vào biển sâu trong thập kỷ tới. Tuy nhiên họ cũng đưa ra cảnh báo rằng Trái đất vẫn ấm lên nhanh chóng khi chu kỳ này chuyển đổi từ "làm mát" trở thành "hâm nóng".
Dòng hải lưu ở Đại Tây Dương được cho là tác nhân gây ra chu kỳ 30 năm.
Các yếu tố đặc biệt
Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng khoảng 0,05 độ C/thập kỷ trong giai đoạn từ năm 1998 đến 2012, trong khi nếu tính từ năm 1951 đến 2012 thì nhiệt độ trung bình đã tăng 0,12 độ C/thập kỷ, điều này cho thấy có sự chênh lệch về mức nhiệt độ gia tăng giữa quá khứ và trong một thập kỷ gần đây.
Trước đó, đã có rất nhiều giả thiết được đưa ra về tác nhân gây ra sự gián đoạn đặc biệt của hiện tượng Trái đất ấm lên trong khi khí thải CO2 đang ở đà tăng kỷ lục.
Trong các lý giải được đưa ra có nhắc đến việc núi lửa gia tăng hoạt động kể từ năm 2000. Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore, bang California (Mỹ), núi lửa phun trào đã phát tán những hạt bụi lưu huỳnh nhỏ lên không trung, nơi các phân tử này hoạt động như một tấm gương phản chiếu tia nắng Mặt trời và nhờ đó ngăn chặn tình trạng tăng nhiệt độ trên bề mặt Trái đất.
Ảnh minh họa. Nguồn: Nationalgeographic
Một yếu tố khác là bức xạ Mặt trời đang trở nên khác thường trong những năm qua với nguyên nhân chưa được làm rõ, điển hình là tình trạng cường độ bức xạ Mặt trời yếu kéo dài trong 13 năm gần đây.
Và nguyên nhân gây chú ý nhất là hiện tượng El Nino và La Nina nổi danh, theo đó, năm 1998 là thời điểm El Nino hoành hành mạnh nhất, vì vậy năm đó nhiệt độ đã tăng lên mức kỷ lục (14,46 độ C). Và đối ngược lại, hiện tượng La Nina đã khiến những năm qua trở nên mát hơn.
Minh họa về nước trồi
Năm 2013, một nghiên cứu cho rằng chu kỳ nước trồi (nước lạnh ở sâu dưới biển được gió đẩy lên bề mặt) và nước chìm (nước ở trên bề mặt bị nhấn chìm xuống sâu) ở Thái Bình Dương đã làm thay đổi việc gia tăng nhiệt độ. Nhưng mới đây tạp chí Science của Mỹ đã công bố nghiên cứu chuyển trọng tâm từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương.
Chu kỳ ở Đại Tây Dương
Nhóm nghiên cứu, do giáo sư Ka Kit Tung của trường Đại học Washington đứng đầu, đã thu thập bằng chứng là mẫu nước được lấy từ độ sâu 2.000m từ hệ thống các thiết bị có tên “phao Argo” cho thấy một chu kỳ 30 năm đã khiến sự ấm lên của Trái đất "tạm nghỉ" bằng cách “nhấn chìm” phần lớn lượng nhiệt xuống đáy đại dương. Giáo sư Tung nhận định rằng thì 90% nhiệt độ Trái đất được lưu lại trong đại dương do khả năng giữ nhiệt trong không khí bị giới hạn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Nationalgeographic
Ông Tung nhấn mạnh: “Biển Đại Tây Dương đang "ngậm" nhiệt chứ không phải Thái Bình Dương". Yếu tố then chốt cho khẳng định trên là độ mặn của nước biển. Chu kỳ này diễn ra khi nước mặn và đậm đặc do có sự bốc hơi, từ vùng biển nhiệt đới chảy đến Bắc Đại Tây Dương, gặp vùng nước loãng hơn (ít muối hơn) do đó bị “chìm” xuống dưới sâu và kéo theo cả nhiệt độ.
Giáo sư Tung phân tích thêm: “Trong thời kỳ ấm áp, dòng hải lưu di chuyển nhanh mang theo nhiều nước hơn từ Caribe đến Bắc Đại Tây Dương, "hâm nóng" cả vùng nước trên bề mặt, do đó băng tan và dần dần khiến nước loãng hơn, hiện tượng này sau một vài thập kỷ sẽ tạo ra chu kỳ 30 năm làm mát”.
Những dữ liệu trong lịch sử ở Đại Tây Dương cho thấy cứ 30 năm nhiệt độ tăng lên thì theo sau đó là 30 năm với mức nhiệt dễ chịu hơn.
Các nhà nghiên cứu đã công nhận về giai đoạn sự nóng lên của Trái đất bị đứt quãng từ 1945 đến 1975 bắt nguồn từ việc "hút nhiệt" của chu kỳ trên, điều này thậm chí từng gây lo ngại về một kỷ băng hà mới.
Tuy nhiên từ năm 1976, chu kỳ này đột ngột thay đổi và góp phần vào sự nóng lên của Trái đất khi nhiệt bị giữ lại ở bề mặt nhiều hơn. Kể từ năm 2000 là chu kỳ "làm mát" và nhiệt độ toàn cầu đã không tăng kể từ mức kỷ lục của năm 1998.
Cùng với dữ liệu từ thiết bị "phao Argo", giáo sư Tung đã kiểm tra nhiệt độ ở miền Trung nước Anh trong vòng 350 năm. Ông tin rằng điều này khẳng định cho chu kỳ 70 năm của đợt ấm và lạnh. Những dữ liệu trong quá khứ này khiến ông lạc quan: “Chúng ta có thể có thêm 10 năm nữa hoặc ngắn hơn, theo lịch sử, chúng ta đang ở giữa chu kỳ này”.
Giáo sư Tung cũng bổ sung: “Sau 2006, độ mặn trong nước biển Đại Tây Dương đã hạ bớt cùng với việc băng tan ở Bắc Cực và hiện tại nó đang ở tiến độ chậm. Một khi nó ở dưới độ trung bình dài hạn, thì thời kỳ tới sẽ là sự ấm lên nhanh chóng”.
Sự nóng lên quay trở lại
Một vài nhà nghiên cứu khác trong lĩnh vực này đã công nhận những thống kê của Tung như một phần của các bằng chứng ngày càng thuyết phục cho thấy Đại Tây Dương đóng vai trò trong việc gián đoạn tăng nhiệt này.
Ảnh minh họa. Nguồn: Nationalgeographic
Giáo sư Reto Knutti thuộc Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ gần đây đã đăng tải một bài đánh giá về tất cả các lập luận liên quan tới sự gián đoạn: “Tôi thấy các nghiên cứu bổ sung cho nhau và chúng đều nhấn mạnh rằng sự biến chuyển tự nhiên trong đại dương và bầu khí quyển góp phần quan trọng thay đổi dài hạn sự tác động của con người. Sự hiểu biết sâu rộng hơn về phương thức thay đổi giúp hiểu rõ hơn về thời gian gián đoạn của quá khứ cũng như dự đoán về tương lai”.
Nhưng ông Reto Knutti vẫn nhắc đến khả năng ấm lên quay trở lại đột ngột do việc hai hiện tượng El Nino và La Nina, có ảnh hưởng lớn tới nhiệt độ Trái đất, sẽ “nổi hứng quay trở lại hành động” vào năm nào vẫn rất khó dự đoán, thêm vào đó là hoạt động của Mặt trời, khí thải nhà kính...
Một số nhà khoa học khác cho rằng giả thuyết Đại Tây Dương có vẻ thú vị nhưng cần thêm nhiều thời gian quan hơn, Tiến sĩ Jonathan Robson tại Đại học Reading (Anh) nói: “Chúng ta phải đợi 15-20 năm để biết điều gì đang diễn ra”.