Trẻ sơ sinh uống phải một triệu hạt vi nhựa mỗi ngày qua sữa bình

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, việc cho trẻ em uống sữa công thức bằng bình nhựa PP (polypropylene) khiến trẻ sơ sinh trên khắp thế giới tiếp xúc trung bình 1 triệu hạt vi nhựa mỗi ngày.

Đây là một mức tăng đáng kinh ngạc so với các ước tính trước đó. Các nghiên cứu trước đó đã cho rằng, người lớn và trẻ em ở Mỹ đã tiếp xúc với từ 74.000 đến 211.000 hạt vi nhựa trong một năm thông qua thực phẩm, nước uống và không khí.

Nghiên cứu mới này được đăng tải trên tờ The Conversation ngày 20/10, do nghiên cứu viên Dunzhu Li và nghiên cứu viên sau Tiến sĩ Yunhong Shi về Kỹ thuật môi trường thuộc trường Trinity College Dublin, Ireland thực hiện.


Theo nghiên cứu mới, trẻ em bú phải một triệu hạt vi nhựa mỗi ngày qua sữa bình. Ảnh: Unsplash).

Nhiệt là nguyên nhân phát tán hạt nhựa

Giống như nhiều dự án nghiên cứu khác, nghiên cứu của hai nhà khoa học này bắt đầu bằng sự quan sát và trò chuyện tình cờ. Một ngày nọ, một đồng nghiệp của họ đang nấu mì gói trong một hộp nhựa. Ban đầu chiếc hộp nhựa trông có vẻ cứng cáp, nhưng sau khi anh đổ nước nóng vào, nó đã mềm đi. Họ rất tò mò và tự hỏi liệu vi nhựa có thể bị phát tán trong quá trình này hay không.

“Chúng tôi đã thực hiện một thử nghiệm nhanh trong phòng thí nghiệm và nhận thấy rằng hộp nhựa đã giải phóng hơn 1 triệu hạt vi nhựa trên một lít nước nóng. Chúng tôi đã bắt đầu thử nghiệm các vật chứa nhựa PP khác. Chai nhựa đựng nước để ở nhiệt độ phòng có rất ít hạt vi nhựa được giải phóng, mỗi lít nước chỉ từ không có đến vài trăm hạt nhựa. Có vẻ như nhiệt là nguyên nhân phát tán hạt nhựa”, báo cáo nghiên cứu cho biết.

Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm bình sữa trẻ em vì đồ dùng này được đun nóng thường xuyên. Qua cuộc khảo sát về bình sữa ở 48 khu vực, bao phủ 78% dân số thế giới, họ nhận thấy rằng bình sữa cho trẻ em bằng nhựa PP chiếm 83% thị trường toàn cầu.


Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm quá trình giải phóng hạt vi nhựa với bình sữa trẻ em. (Ảnh: Getty Images).

Nhóm nghiên cứu đã chọn mười bình sữa trẻ em bằng nhựa PP và tuân thủ hướng dẫn năm 2007 của Tổ chức Y tế Thế giới về việc chuẩn bị sữa công thức cho trẻ bú bình tại nhà.

Họ đã kiểm tra xem có bao nhiêu vi nhựa được giải phóng khi thực hiện theo các bước pha sữa như làm sạch, khử trùng bình và pha trộn nước với sữa trong mỗi bình và nhận thấy rằng chúng giải phóng tới 16 triệu hạt nhựa trên một lít nước nóng 70 °C.

Phần lớn các vi nhựa này có kích thước nhỏ hơn 20 micromet và giống như vảy với bề mặt thô và có độ dày trung bình bằng 1/10 chiều rộng của chúng.

Khi nhiệt độ của nước được tăng từ 70°C lên 95°C - nhiệt độ của nước đun sôi được khuyến nghị gần đây, số lượng hạt vi nhựa được giải phóng đã lên 55 triệu hạt với mỗi lít nước nóng. Chỉ riêng quy trình tiệt trùng, khi chai được tháo rời và đặt trong một chảo chứa đầy nước nóng 95°C đã làm tăng số lượng hạt vi nhựa bị phát tán lên ít nhất 35%.

“Chúng tôi đã tiếp cận nghiên cứu theo phương pháp khoa học thực sự toàn diện, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình của WHO, lặp lại nhiều lần thử nghiệm với các chất lỏng khác nhau và ở các nhiệt độ khác nhau, và sử dụng phân tích thống kê để xác định xem kết quả có đáng kể hay không”, báo cáo viết.

Sau đó, các nhà khoa học đã gửi phương pháp luận và sản phẩm mẫu của mình đến một phòng thí nghiệm độc lập để xác minh. Và kết quả cũng tương tự.

Làm thế nào để giảm phơi nhiễm hạt vi nhựa?

Do việc sử dụng chai nhựa PP đang rất phổ biến và kết quả nghiên cứu trong phòng thì nghiệm cho thấy số lượng lớn hạt vi nhựa được phát tán khi dùng chai nhựa, các nhà khoa học quyết định thực hiện nghiên cứu của mình thêm một bước nữa.


Tiệt trùng bình sữa trẻ em trong nước sôi giải phóng nhiều vi nhựa hơn bất kỳ quy trình nào khác. (Ảnh: Shutterstock).

Họ ước tính mức độ tiếp xúc của trẻ sơ sinh 12 tháng tuổi ở 48 khu vực trên toàn thế giới bằng cách so sánh tỷ lệ giải phóng trung bình của vi nhựa từ bình bú, thị phần của bình nhựa, tỷ lệ bú bình và lượng sữa mà trẻ có xu hướng uống hàng ngày.

Từ đó, họ đưa ra kết luận, trẻ sơ sinh có khả năng tiêu thụ trung bình 1,6 triệu hạt vi nhựa mỗi ngày.

“Chúng tôi chưa muốn đưa ra tình trạng báo động. Vì chúng tôi chưa hiểu hết những rủi ro đối với sức khỏe con người khi tiếp xúc với những hạt nhựa nhỏ bé này, nhưng đây là một lĩnh vực nghiên cứu mà chúng tôi và các nhóm khác đang tích cực theo đuổi”, các nhà khoa học cho biết.

Theo các nhà khoa học, có nhiều cách để giảm sự tiếp xúc của trẻ với hạt vi nhựa trong quá trình bú sữa công thức. Họ đang nghiên cứu các lớp phủ có thể ngăn vi nhựa giải phóng trong quá trình sử dụng và các bộ lọc có thể ngăn vi nhựa xâm nhập vào nguồn cung cấp nước.

Họ cũng đã phát triển một bộ quy trình để tiệt trùng bình sữa và pha sữa công thức, đồng thời giảm khả năng tiếp xúc của con người với vi nhựa từ bình nhựa PP. Bốn bước nhanh nhất và dễ nhất là:

  • Rửa sạch bình bú bằng nước mát đã tiệt trùng.
  • Luôn chuẩn bị sữa công thức trong hộp không phải là nhựa.
  • Sau khi sữa công thức nguội đến nhiệt độ phòng, chuyển sữa vào bình bú tiệt trùng đã làm mát.
  • Tránh hâm lại sữa công thức đã pha trong bình nhựa, đặc biệt là với lò vi sóng.

Thế giới động vật - Những điều thú vị bạn chưa biết

Tàu vũ trụ của NASA đã "đổ bộ" xuống tiểu hành tinh Bennu

Thế giới đang sử dụng những cách nào để xây dựng nhà chống lũ?

Cập nhật: 23/10/2020 Theo Nhân Dân
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video