Trong nhiều thế kỷ, những bộ óc ưu tú nhất của nhân loại không chỉ mơ ước đến một cuộc sống vĩnh cửu mà còn đi tìm những phương thức cụ thể, có tính hiện thực để đạt tới nó.
Khoa học về sự bất tử lần đầu tiên được đề xuất vào những năm 70 của thế kỷ XX bởi hai nhà khoa học Nga là các giáo sư G.Berdyshev và I.Vishev và mang cái tên là immortalogy (có nghĩa là bất tử học, xuất phát từ chữ Hy Lạp mors - cái chết, im - trợ từ phủ định).
Các giai đoạn
Hồi đó sự phát triển của immortalogy được giáo sư I. Vishev tạm chia thành các giai đoạn sau đây:
Giai đoạn ảo tưởng, truyền thuyết và huyền thoại.
Giai đoạn gerontologie và juventologie. Gerontologie là môn lão khoa chuyên nghiên cứu những cơ chế của sự già nua, điều trị các bệnh của tuổi già, tìm tòi những phương pháp kéo dài sự sống chủ yếu trên những con vật thí nghiệm. Juventologie là một bộ phận của gerontologie - khoa học về sự giữ gìn và kéo dài tuổi thanh xuân.
Giai đoạn longevistique - khoa học về sự kéo dài sự sống của loài vật và con người.
Giai đoạn immortalogy thể nghiệm. Người sáng lập ra bộ môn này là nhà di truyền học Đức Karl Essner. Năm 1985, ông đã tạo ra được cơ thể bất tử đầu tiên - đó là loài nấm mốc Podospora anserine.
4 giai đoạn trên đây có quan hệ mật thiết với nhau.
Các hướng nghiên cứu
Hiện nay, một số phương pháp làm ngừng lại sự già cỗi của cơ thể đã xuất hiện và đang được thực hiện: Tuổi già đang được cố gắng khắc phục với sự trợ giúp của các tế bào gốc, của công nghệ nano và kỹ thuật gen; liệu pháp lạnh. Con người được ướp lạnh trong một thời hạn dài và được làm tan giá sau một thế kỷ; việc nuôi dưỡng hoặc là các cơ quan riêng lẻ của con người hoặc là toàn bộ bản sao "dự trữ" của nó.
Một trong những biện pháp có triển vọng nhất để chống lại tuổi già - đó là các tế bào gốc. Vấn đề là ở chỗ các tế bào đặc biệt này vốn có ở mỗi người có thể biến thành bất cứ một bộ phận nào của cơ thể, chẳng hạn, có thể thay thế vết sẹo bằng một mô khỏe mạnh. Các nhà khoa học đã nuôi dưỡng được van tim, đã buộc chính các tế bào thân của đại não sinh sôi nảy nở, điều này giúp đại não phục hồi sau cơn đột quỵ và đã tạo ra được tia bụi nước (Spray) từ các tế bào sống để chữa bỏng. Các tế bào gốc có khả năng làm trẻ lại cơ thể nhờ sự thay thế các tế bào cũ bằng các tế bào mới.
Một khuynh hướng nữa không kém phần triển vọng - đó là làm gia tăng khả năng tái tạo cơ thể. Nếu như cơ chế này được nghiên cứu và con người học được cách điều hành nó thì chúng ta có thể biến bất cứ một tế bào nào thành tế bào gốc và khi đó con người có khả năng đổi mới các chi, thận, gan, mắt và dần dần thay thế các cơ quan đã hoàn thành sứ mệnh của chúng bằng các cơ quan mới. Con người có thể chiến thắng tuổi già trong 30 năm tới.
Theo các chuyên gia, y học trong những năm sắp tới sẽ tiến như vũ bão về phía trước. Sẽ xuất hiện khả năng sản xuất một số lượng không hạn chế các cơ quan để ghép. Thoạt tiên, các nhà khoa học nghiên cứu phương pháp nuôi dưỡng các ngón tay và ngón chân bị hư hỏng rồi sau đó công nghệ sẽ tiến xa đến nỗi có thể phục hồi các chi và cột sống.
Còn GS. Ellen Heber-Cats của Viện Nghiên cứu Vistar ở Philadelphia thì về đại thể đã tiên đoán rằng con người sẽ có thể phục hồi thân thể nhờ sự trợ giúp của những viên thuốc tái sinh. GS. Richard Miller của Trường đại học Michigan cho biết hiện nay có thể kéo dài thời gian sống của loài động vật có vú nuôi trong phòng thí nghiệm tới 40%. Nếu như áp dụng thành công những hệ thống bảo vệ cho con người thì đến năm 2056, các nhà khoa học sẽ tạo ra được thế hệ đầu tiên của những người sống đến 100 tuổi, những con người này tràn đầy sức sống như những người đang ở tuổi 60 hiện nay.
Và triển vọng của khoa học bất tử
Việc con người sẽ nhanh chóng già đi rồi chết hay ngược lại, sẽ trở thành khỏe mạnh và sống lâu - điều này phụ thuộc vào trạng thái cân bằng sẽ nghiêng về phía nào. Hiện nay các nhà khoa học đang suy nghĩ làm thế nào để sự cân bằng nghiêng về phía cần thiết. Chẳng hạn, nếu như người ta đưa vào được cơ thể một gen duy nhất của tổng hợp vitamin C thì chúng ta có thể sống không dưới 300 năm. Chính gen đó đã từng có trong cơ thể chúng ta trước đây, nhưng chúng ta đã "đánh mất" nó trong quá trình tiến hóa trên cấp độ "tiền khỉ". Thế nhưng nhiều động vật có vú vẫn giữ được và tổng hợp một cách tuyệt vời chất vitamin đó trong cơ thể của chúng, chẳng hạn như loài chuột lang.
Hoặc một ý tưởng khác: như mọi người đều biết, trong cơ thể chúng ta, ôxy - cội nguồn chủ yếu của năng lượng - được thường xuyên hấp thụ. Nhưng ở đây từ một dạng vô hại đã hình thành dạng xâm kích - peroxyde. Chính nó hiện nay được coi là nguyên nhân chủ yếu của phần lớn các bệnh tuổi già. Mặc dầu, để cho điều đó không xảy ra, sự tiến hóa thậm chí đã "sáng chế" ra một thứ men đặc biệt có nhiệm vụ chuyển một phần dạng có hại sang dạng thông thường. Nếu như trong cơ thể chúng ta có nhiều thứ men như thế thì chúng ta sẽ không già đi. Chỉ cần có một gen bổ sung là có thể sống tới 800 tuổi! Bởi thế hiện nay Viện sĩ Skulachev đang nghiên cứu một thứ thuốc nhằm loại bỏ dạng ôxy có hại khỏi cơ thể.
Theo GS. Berdyshev, khi nào chúng ta thực sự nhận thức được đầy đủ cơ chế hoạt động của những gen đó thì chúng ta cũng sẽ học được cách kiểm soát sự tương tác của chúng và ngày càng làm cho sự cân bằng nghiêng về phía bất tử. Và khi ấy, cùng với mỗi một bước tiến mới của sinh học, tuổi thọ của con người ngày càng được gia tăng.