Trung Quốc bắn pháo để chống mưa cho Olympic

Cả một đạo quân chung quanh Bắc Kinh sẽ bắn bạc iođua lên những đám mây để không một giọt nước nào đến được các nơi thi đấu thể thao.

Trung Quốc đã tuyển mộ cả một đạo quân nông dân để chống mưa: Hàng trăm người dân chung quanh Bắc Kinh đang sẵn sàng bảo vệ bầu trời chống lại những đám mây kéo đến. Theo thông tin chính thức của trang Web Thế Vận Hội, 26 căn cứ quanh thủ đô là nơi khởi điểm để bắn mây. Mỗi một nơi được trang bị đến 4 khẩu pháo phòng không để bắn lên mây và gây mưa trước khi chúng đến Bắc Kinh.

Chính phủ Trung Quốc tuyển mộ nhiều người dân quanh Bắc Kinh để bắn mây mưa bằng pháo phòng không cũ. Ảnh: Reuters.

Người ta bắn bạc iođua. Kỹ thuật "tiêm mây" này thật ra đã có từ nhiều thập niên trước đây. Băng khô hay nitơ lỏng cũng thích hợp. Khi được đưa vào mây - hoặc là từ máy bay hoặc là bắn từ mặt đất - chúng sẽ tác động làm cho nước trong mây ngưng tụ quanh các giọt iođua nhỏ. Giọt nước thành hình và mưa bắt đầu rơi.

Người Trung Quốc không phải là người đầu tiên muốn có nắng nhân tạo cho một sự kiện lớn: Nước Nga cũng không muốn có mưa vào ngày kỷ niệm chiến thắng nước Phát xít Đức và lần nào cũng gửi máy bay lên không trung kịp thời để chống lại những đám mây.

Bạc iođua để "tiêm mây" được sử dụng lần đầu tiên tại Mỹ trong thập niên 1940. Giới quân sự rất quan tâm đến kỹ thuật này. Trong chiến tranh Việt Nam người ta đã tiêm vào mây phía trên đường mòn Hồ Chí Minh.

Dự báo thời tiết mỗi giờ với siêu máy tính của IBM

Nỗi lo ngại có mưa trong buổi lễ khai mạc và trong thời gian thi đấu là có cơ sở, bởi tháng 8 là một trong những tháng có nhiều mưa nhất trong vùng quanh Bắc Kinh. Ông Guo Wenli, giám đốc Trung tâm Khí hậu Bắc Kinh, dự đoán khả năng cho một ngày khai mạc khô ráo là 50%. Các nhà khoa học dự tính trong thời gian tròn 2 tuần thi đấu của Thế Vận Hội, trung bình cứ 3 ngày là 1 ngày có mưa.

Để có thể dự báo dài hạn như vậy, các nhà nghiên cứu vừa mới mua một siêu máy tính của IBM vào năm ngoái. Họ muốn theo dõi chính xác thời tiết trong một vùng rộng 44.000 km2 và cung cấp dự báo thời tiết mỗi giờ một lần - cho mỗi một km2.

Thật ra thì bảo vệ chống mưa có thể đơn giản hơn: Để giữ cho 91.000 khán giả trong sân vận động Olympia được khô ráo, người ta chỉ cần kéo mái che cho cái tổ chim này - chuyện thông thường tại các sân vận động khác. Trong bản phác thảo của các kiến trúc sư người Thụy Sĩ Jacques Herzog và Pierre de Meuron cũng đã có dự định trước. Nhưng nó đã bị gạch bỏ. Người Trung Quốc cho rằng quá tốn kém.

"Một đám mây không muốn mưa thì nó sẽ không mưa"

Việc bắn vào mây có tác dụng hay không vẫn còn được tranh cãi. "Nhiều nghiên cứu về tạo ảnh hưởng đến mây không cho thấy một hiệu quả đáng kể nào cả", ông Stephan Borrmann từ Viện Vật lý khí quyển thuộc Đại học Mainz nói. "Một đám mây không muốn mưa thì nó sẽ không mưa". Mặc dù vậy vẫn có nhiều chương trình kiểm soát thời tiết ở khắp nơi trên thế giới.

Cũng có thể là thời gian tiến hành Thế Vận Hội trời sẽ khô ráo mà không cần đến đại bác. "Khói mù và khí dung trong không khí sẽ ngăn mưa", Borrmann nói. Nếu nhìn như vậy thì Bắc Kinh thật ra đã được trang bị chống mưa rất tốt - thành phố đang ngộp trong khói mù. Nhưng người Trung Quốc cũng đang tìm cách cải thiện chất lượng không khí. Để đạt đến mục đích này thì tôt hơn là nên có mưa. "Vì mưa", theo ông Borrmann, "là biện pháp giữ bầu không khí trong sạch tốt nhất".

Theo Phan Ba - VnExpress (Spiegel Online)
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video