Trung Quốc cấp phép cho máy bay nội địa C919, cạnh tranh với Airbus và Boeing

Các hình ảnh trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy nước này hôm 29-9 đã tổ chức buổi lễ cấp giấy chứng nhận cho máy bay chở khách thân hẹp C919 sản xuất trong nước. Reuters đưa tin đây là cột mốc quan trọng trong lịch sử hàng không dân dụng của Trung Quốc khi hãng chế tạo máy bay Comac có thể chính thức cạnh tranh với hai gã khổng lồ Airbus và Boeing.

Hai chiếc C919 của Comac đã bay đến Bắc Kinh hôm 13-9 và mọi người tin rằng khả năng cấp phép cho C919 vào tháng 10 là khá chắc chắn. Trong hơn hai tuần qua, hình ảnh C919 tràn ngập mạng xã hội Weibo, và hôm 29-9, đã có hình ảnh với dòng chữ tiếng Hoa “Lễ cấp giấy chứng nhận dòng máy bay C919”. Comac đã không trả lời ngay các câu hỏi của Reuters.

Thế kiềng ba chân ABC?


Nguyên mẫu thế hệ thứ ba C919 đã cất cánh trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tại sân bay quốc tế Phố Đông ở Thượng Hải cuối năm 2018. (Ảnh: Reuters).

C919 đã ra mắt cách đây 14 năm và được thiết kế để chở 168 hành khách. Comac tự tin rằng C919 sẽ cạnh tranh với dòng máy bay thân hẹp Airbus A320neo và Boeing 737 MAX đang phổ biến tại thị trường hàng không lớn thứ hai thế giới. Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc muốn tăng cường khả năng tự chủ về công nghệ trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.

Dù được lắp ráp tại Trung Quốc, nhưng C919 phụ thuộc rất nhiều vào linh kiện của phương Tây, bao gồm động cơ và hệ thống điện tử hàng không từ các hãng GE, Safran và Honeywell International.

Các quy định khắt khe trong cấp phép xuất khẩu của Mỹ đã dẫn đến sự chậm trễ trong việc tìm nguồn cung ứng linh kiện là rủi ro chính đối với việc tăng cường sản xuất máy bay nội địa của Trung Quốc, cho đến khi nước này tự làm chủ công nghệ chế tạo động cơ và linh kiện đủ tốt để thay cho động cơ và phụ tùng của phương Tây.

CEO Richard Aboulafia của hãng tư vấn hàng không AeroDynamic Advisory có trụ sở tại Mỹ cho rằng chiếc máy bay này có vẻ như là một di tích của một thời đã qua về mối quan hệ đằm thắm giữa Trung Quốc và phương Tây.

“Như vậy, chúng ta đã có một chiếc máy bay chỉ có cái vỏ của Trung Quốc nhưng thực sự được trang bị công nghệ và hệ thống của phương Tây. Việc biến chiếc máy bay này thành một thương hiệu chính chủ của Trung Quốc sẽ mất hơn một thập niên và nhiều tỉ đô la”, nhà tư vấn nhận xét.

Như vậy, Comac khó có thể cạnh tranh ngang ngửa với Airbus và Boeing để hình thành thế chân vạc ABC một sớm một chiều được.

Giấy chứng nhận được cấp hôm qua có nghĩa là C919 có thể đã được xuất xưởng và giao cho khách hàng đầu tiên là hãng bay China Eastern Airlines Corp Ltd. Tuy vậy, truyền thông địa phương nói rằng máy bay khó có thể bay thương mại với hành khách cho đến năm 2023.

C919 chưa bao giờ xuất hiện tại Airshow China, triển lãm hàng không hàng đầu ở Trung Quốc, trong nhiều năm qua. Hiện vẫn chưa rõ dòng máy bay này có được trưng bày hay bay biểu diễn tại Airshow China 2022 vào tháng 11 tới hay không.

Comac cũng sẽ cần một giấy chứng nhận sản xuất riêng trước khi có thể tăng cường sản xuất hàng loạt loại máy bay này. Điều này có nghĩa là tác động của C919 với thị trường máy bay toàn cầu có thể vẫn còn hạn chế do Airbus và Boeing sản xuất hàng chục thân máy bay hẹp mỗi tháng.

“C919 sẽ dần dần bắt đầu thay thế các máy bay một lối đi do Boeing và Airbus sản xuất tại Trung Quốc. Trong 20 năm tới, nhu cầu máy bay chở khách thân hẹp như C919 của Trung Quốc sẽ ở mức trung bình 300 chiếc mỗi năm”, hãng chứng khoán Huaxi Securities viết trong một báo cáo công bố hồi tháng 9 này.

ARJ21 – dòng máy bay tầm bay ngắn hay trung bình sử dụng cho các tuyến bay khu vực – là tiền thân của C919. ARJ21 đang đối mặt với quãng thời gian 2,5 năm trong việc xin giấy chứng nhận kiểu loại và chứng chỉ sản xuất, khiến công đoạn sản xuất bị trì trệ. Điều này hoàn toàn trái ngược với phương Tây khi cả hai chứng chỉ được cấp cùng lúc.

Trông chờ giấy phép của Mỹ và EU

Giống như ARJ21, C919 còn thiếu chứng chỉ của các cơ quan quản lý Mỹ và châu Âu, khiến nó chỉ có thể bay trên thị trường nội địa và có thể là ở các nước có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Cơ quan an toàn hàng không EU (EASA) đã làm việc trong nhiều năm về quy trình cấp phép cho C919 của Comac, song song với quá trình xét duyệt của Cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc (CAAC). “Chúng tôi không thể bình luận về ngày hoàn thành việc cấp phép này”, người phát ngôn EASA nói.

Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã không trả lời yêu cầu bình luận về khả năng cấp phép C919.

Trong khi đó, theo trang mạng của Comac, đã có 815 đơn đặt hàng C919 từ 28 khách hàng và China Eastern Airlines là hãng duy nhất đã công bố thời gian giao hàng chắc chắn và hãng này dự kiến ​​chỉ nhận được bốn chiếc C919 trong năm tới.

Dòng Boeing 737 MAX hiện vẫn chưa quay trở lại bầu trời Trung Quốc sau hai tai nạn rớt máy bay khủng khiếp hồi tháng 3-2019. Tuy nhiên, ba tháng trước, ba hãng bay lớn của Trung Quốc là Air China, China Southern Airlines và China Eastern Airlines đã đặt gần 300 chiếc Airbus A320neo trị giá 25 tỉ đô la Mỹ. Có nghĩa là Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập khẩu máy bay trong một thời gian nữa.

CEO Aboulafia của AeroDynamic Advisory cho biết nếu Trung Quốc quyết định ngừng nhập khẩu máy bay của phương Tây, Mỹ và các nước đồng minh có thể “hủy diệt” C919 trong nhiều năm bằng cách cấm xuất khẩu linh kiện.

“Hãy thử chế tạo một chiếc máy bay không có động cơ hoặc hệ thống điện tử hàng không. Đơn giản đó chỉ là một đống sắt”, ông nói.

Cập nhật: 16/11/2022 Thesaigontimes
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video