Các nhà khảo cổ Trung Quốc ngày 24/4 cho biết một xưởng chế tác gương đồng có từ 2.000 năm trước vừa được khai quật ở tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc.
Phó giám đốc viện khảo cổ thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, ông Bạch Vân Tường cho biết trong khi tiến hành khai quật tại một ngôi làng gần thành phố Truy Bác, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hơn 100 khuôn đúc bằng đá, lò đúc, giếng nước và ống bễ.
Một nhà khảo cổ học giới thiệu một chiếc gương đồng khai quật được
trong một ngôi mộ cổ ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. (Nguồn: Xinhua)
Theo ông Bạch, đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ khai quật được một xưởng chế tác gương đồng và phát hiện khảo cổ này cung cấp nhiều tư liệu quý về kỹ thuật chế tác gương đồng của người Trung Quốc thời cổ.
Các nhà khảo cổ xác định xưởng chế tác này có từ thời kỳ đầu nhà Hán, trị vì từ năm 202 trước Công nguyên cho đến năm 220. Đây là thời kỳ những chiếc gương soi bằng đồng đánh bóng trở thành vật dụng phổ biến trong các gia đình.
Các khuôn đúc bằng đá tìm thấy trong xưởng cũng mang nhiều đặc điểm thời kỳ này, với hoa văn chạm khắc hình rồng và thiết kế lá cỏ.
Được phát hiện vào năm 2011, di tích khảo cổ trên được cho là nằm trong một "khu công nghiệp" thuộc kinh thành cổ Lâm Truy, một trung tâm thương mại hưng thịnh dưới thời Đông Chu (năm 770 trước CN đến năm 221 trước CN).
Trước đó, các nhà khảo cổ cũng từng khai quật được ở khu vực này một xưởng chế tác đồ sắt.