Các nhà khảo cổ mới đây khai quật một ngôi mộ lớn ở tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc, được cho là nơi an nghỉ của bà vua Tần Thủy Hoàng.
>>> Vũ khí chết chóc của binh đoàn đất nung lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Khu mộ được phát hiện trong quá trình mở rộng Đại học Tài chính và Kinh Tế ở thành phố Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây. Toàn bộ khu lăng mộ có diện tích hơn 173.000m2, trải dài khoảng 550m và rộng 310m. Với kích thước này, đây là lăng mộ lớn thứ hai từng được tìm thấy ở Trung Quốc.
Khu vực khai quật lăng mộ bà của vua Tần Thủy Hoàng ở thành phố Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây. (Ảnh: Weibo)
Theo china.org.vn, ngôi mộ cổ là nơi chôn cất bà của Tần Thủy Hoàng, người sáng lập ra nhà Tần, đồng thời là vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc.
Các nhà khảo cổ khai quật được dấu vết của hai chiếc xe ngựa và 12 bộ xương ngựa (mỗi chiếc xe được kéo bởi 6 con ngựa). Đây là biểu tượng thể hiện vị thế của vua chúa hoặc các thành viên trong hoàng tộc, có thể xác nhận cho những dự đoán trước đó rằng bà của Tần Thủy Hoàng được chôn cất tại đây.
Khu lăng mộ được nhìn từ trên cao. (Ảnh: Weibo)
Tại khu vực khai quật, nhóm chuyên gia phát hiện một số hiện vật có giá trị khác như ngọc bích, mảnh vàng bạc và đồ gốm được chạm khắc tinh xảo. Chúng được chôn cùng với chủ nhân của ngôi mộ.
Quần thể di tích lăng mộ Tần Thủy Hoàng có diện tích 56km2, là khu lăng mộ dưới lòng đất lớn nhất trên thế giới. Trong nhiều cuộc khai quật trước đây, các nhà nghiên cứu từng phát hiện 8.000 pho tượng chiến binh đất nung canh gác cho ngôi mộ của vị hoàng đế này.