Trung Quốc nhân bản chó chỉnh sửa gene để nghiên cứu bệnh tim

Trung Quốc lần đầu tiên kết hợp công nghệ chỉnh sửa gene và nhân bản để tạo ra chó mắc xơ vữa động mạch phục vụ nghiên cứu y học.

Công ty công nghệ sinh học Sinogene của Trung Quốc nhân bản thành công chó săn thỏ Longlong từ một con chó khác được chỉnh sửa gene để mắc bệnh xơ vữa động mạch, CNN hôm qua đưa tin. Các nhà khoa học sẽ nghiên cứu và tìm kiếm phương pháp chữa trị căn bệnh này trên con chó mắc bệnh.


Chó Longlong chào đời nhờ công nghệ chỉnh sửa gene. (Ảnh: CNN).

Nhìn bên ngoài, Longlong có bộ lông ba màu đen, nâu và trắng như những con chó săn thỏ bình thường khác. Nó được nhân bản từ Apple, con chó được các nhà khoa học can thiệp vào bộ gene để mắc xơ vữa động mạch. Căn bệnh này được di truyền lại cho Longlong ngay khi con vật mới chào đời.

Sinogene tuyên bố đây là con chó nhân bản đầu tiên từ động vật chỉnh sửa gene. Với sự ra đời của Longlong, họ khẳng định Trung Quốc đã trở thành một trong những nước đi đầu trong công nghệ nhân bản chó.

"Việc nhân bản chó từ tế bào của động vật chỉnh sửa gene chắc chắn là một đột phá lớn", Eugene Redmond, phụ trách phòng thí nghiệm Cấy ghép và Hồi phục Thần kinh tại Đại học Y Yale, nhận xét.

Sinogene đã nhân bản thành công hai con chó nữa, Xixi và Nuonuo, theo cách tương tự, nghĩa là hãng này hiện sở hữu 4 con chó có gene giống nhau.

"Chó có nhiều bệnh di truyền giống với người nhất, do đó, chúng là những mẫu tốt nhất để nghiên cứu", Feng Chong, giám đốc kỹ thuật tại Sinogene nói. Sự ra đời của Longlong đánh dấu lần đầu tiên các nhà khoa học kết hợp công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR với công nghệ nhân bản tế bào sinh dưỡng, phương pháp sử dụng để nhân bản cừu Dolly.

Những con chó nhân bản vẫn chưa biểu lộ triệu chứng nào nhưng các nhà nghiên cứu đang theo dõi chặt chẽ sức khỏe của chúng, theo Mi Jidong, quản lý tại Sinogene. Các loại thuốc để điều trị bệnh tim mạch cũng đang được thử nghiệm trên những động vật khỏe mạnh.

Dù một số nước khác cũng tiến hành các nghiên cứu tương tự, Trung Quốc là quốc gia đi đầu về động vật biến đổi gene với khỉ mang gene tự kỷ của người, chó siêu khỏe và lợn không mang retrovirus, loại virus có vật chất di truyền là RNA.

Tuy nhiên, giống với nhiều thí nghiệm khác về nhân bản và thay đổi gene, thành tựu của Sinogene gặp phải nhiều ý kiến tranh cãi. Tổ chức bảo vệ động vật PETA cho rằng nghiên cứu này là trái đạo lý. Ngoài những lo ngại về đạo đức, động vật thí nghiệm ở Trung Quốc cũng chưa được pháp luật bảo vệ đúng mức.


Việc sử dụng động vật chỉnh sửa gene để nghiên cứu các loại bệnh gây ra nhiều tranh cãi. (Ảnh: CNN).

Tổ chức PETA tin rằng số tiền đổ vào nghiên cứu nên được dùng để giúp đỡ những động vật lang thang thay vì tạo ra thêm động vật. Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Sinogene tin rằng công trình của họ phục vụ cho tương lai phát triển ngành dược và nghiên cứu y sinh. Hãng này dự định tạo ra nhiều chó nhân bản giống Longlong hơn.

Về vấn đề thương mại hóa công nghệ nhân bản, Feng cho rằng việc khiến những con chó chỉnh sửa gene trở nên dễ tiếp cận hơn có thể tạo ra cuộc cách mạng trong nghiên cứu về lĩnh vực này.

Phương pháp cũ để khiến chó mắc xơ vữa động mạch là cho chúng ăn thức ăn chứa nhiều đường và chất béo đến khi các triệu chứng xuất hiện. Theo Feng, phương pháp chỉnh sửa gene và nhân bản hiện nay tốt hơn cho những con chó. Tuy nhiên, Keith Guo, một đại diện của PETA, không chắc phương pháp mới nhân đạo hơn vì lũ chó vẫn phải chịu đau đớn.

Những con chó được quan tâm và đối xử một cách tôn trọng, Feng khẳng định. Sinogene cũng dự định nhân bản những con chó nghiệp vụ như chó cảnh sát, chó dẫn đường, thậm chí các vật nuôi bình thường để đảm bảo một số đặc tính sinh học sẽ được di truyền.

Cập nhật: 27/12/2017 Theo VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video