Kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới của Trung Quốc sẽ tham gia dự án tìm kiếm trí thông minh ngoài hành tinh gần một ngôi sao giảm sáng khác thường.
Andrew Siemion, giám đốc Trung tâm nghiên cứu SETI (tìm kiếm trí thông minh ngoài hành tinh) ở Đại học California, Berkeley, cho biết trung tâm đang hợp tác với cơ quan điều hành kính viễn vọng vô tuyến FAST của Trung Quốc để tìm kiếm dấu hiệu nền văn minh tiên tiến trong vũ trụ, South China Morning Post hôm nay đưa tin.
FAST là tên gọi tắt của Kính viễn vọng hình cầu khẩu độ 500m, trị giá 185 triệu USD vừa được Trung Quốc đưa vào vận hành ở huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu. Đĩa thu tín hiệu của thiết bị có đường kính gần 200m, diện tích lớn hơn 30 sân bóng đá và vượt xa kính viễn vọng lớn thứ nhì thế giới do Mỹ vận hành ở Arecibo, Puerto Rico.
Dự án Breakthrough Listen của trung tâm SETI ra đời vào năm ngoái với nguồn vốn 100 triệu USD do tỷ phú người Nga Yuri Milner cấp. Dự án này sẽ kéo dài 10 năm và hướng đến tìm kiếm dạng sống thông minh trong vũ trụ.
Kính viễn vọng vô tuyến FAST có diện tích mặt đĩa lớn hơn 30 sân bóng đá. (Ảnh: NAO/FAST).
"Gần đây, Breakthrough hợp tác với FAST và Đài quan sát Thiên văn Quốc gia Trung Quốc, đơn vị chế tạo và vận hành chiếc kính viễn vọng", Siemon nói.
Cuối tháng 10, dự án Breakthrough Listen bắt đầu hướng kính viễn vọng Green Bank đường kính 100 m ở West Virginia, Mỹ đến ngôi sao nhấp nháy mang tên Tabby, ký hiệu KIC 8462852, nằm trong chòm sao Cygnus ở cách Trái Đất 1.500 năm ánh sáng. Ngôi sao được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 9/2015 bởi nhà thiên văn học người Mỹ Tabetha Boyajian, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Đại học Yale.
Các quan sát từ kính viễn vọng vũ trụ Kepler của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy ngôi sao mờ đi đáng kể một cách bất thường theo chu kỳ nhiều ngày, không giống hiện tượng giảm sáng do hành tinh hoặc sao chổi gây ra ở những ngôi sao khác. Một giả thuyết được đưa ra là ánh sáng từ ngôi sao bị cấu trúc Dyson, khối cầu khổng lồ do nền văn minh có trình độ phát triển cao xây dựng quanh ngôi sao để thu năng lượng.
"Chúng tôi từng xem xét ngôi sao bằng kính viễn vọng vũ trụ Hubble và Đài thiên văn Keck bằng hồng ngoại, sóng vô tuyến và quang phổ năng lượng cao, bao gồm một loạt thí nghiệm nhưng không tìm thấy điều gì", Siemion chia sẻ.
Nhưng kính viễn vọng FAST bắt đầu hoạt động từ tháng 9 có thể mang đến hy vọng mới. "Với độ nhạy cao, kính viễn vọng FAST có khả năng đáng nể trong việc nghiên cứu ngôi sao Tabby bằng việc tìm dấu vết sóng vô tuyến. Trong dải tần số thiết kế, FAST là kính viễn vọng nhạy nhất thế giới, có thể phát hiện cả những tín hiệu yếu nhất", Siemion cho biết.
Một nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh tham gia dự án hợp tác cho biết họ hy vọng có thể sử dụng FAST để tìm kiếm người ngoài hành tinh trong thời gian sớm nhất, nhưng rất khó sắp xếp thời gian quan sát bởi lịch hoạt động dày đặc của chiếc kính. "Lịch trình đã kín mít. Kín đến mức tôi nghĩ chúng tôi không thể làm gì trong vòng hai năm tới", nhà nghiên cứu giấu tên cho biết.
Zhu Jin, giám đốc Đài thiên văn Bắc Kinh xác nhận ngôi sao Tabby sẽ nằm trong vùng tìm kiếm của FAST. "Quan sát ngôi sao Tabby bằng FAST là điều rất dễ thực hiện. Khi đề xuất chế tạo chiếc kính viễn vọng, tìm kiếm nền văn minh ngoài hành tinh là một trong những mục tiêu chính. Tôi nghĩ chúng tôi khó có thể bỏ qua ngôi sao Tabby", Zhu chia sẻ.