Trung Quốc xây dựng ga đường sắt cao tốc sâu nhất thế giới

Ga Trường thành Bát Đạt Lĩnh nằm ở độ sâu 102 m bên dưới Vạn lý Trường Thành được ví như một kỳ quan kỹ thuật hiện đại.

Với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 đang tới gần, tàu cao tốc tự lái đầu tiên trên thế giới đã đi vào hoạt động, chở vận động viên và nhà chức trách giữa hai thành phố chính tổ chức thi đấu trên tuyến đường sắt liên thành phố Bắc Kinh - Trương Gia Khấu. Chỉ riêng tàu viên đạn có thể tự lái đã đủ đặc biệt. Nhưng một phần hành trình dài 56 phút còn chạy xuyên qua một kỳ quan kỹ thuật khác là ga Trường thành Bát Đạt Lĩnh.


Thang máy dẫn xuống ga Trường thành Bát Đạt Lĩnh. (Ảnh: CNN).

Hoàn thành vào năm 2019, nhà ga nằm cách không xa lối vào Bát Đạt Lĩnh, đoạn nổi tiếng nhất của bức tường hàng nghìn năm tuổi. Nhằm bảo vệ công trình biểu tượng khỏi hư hỏng về mặt kết cấu, tuyến đường sắt và nhà ga đi kèm được xây dựng ở sâu dưới lòng đất. Nằm ở độ sâu 102 m và bao phủ diện tích hơn 36.000m2, công trình 3 tầng này là ga đường sắt cao tốc dưới lòng đất sâu và rộng nhất thế giới.

Xây dựng một nhà ga phức tạp như vậy với hệ thống đường hầm dài 12km bên dưới một Di sản Thế giới không phải nhiệm vụ dễ dàng. Các kỹ sư sử dụng kíp nổ điện để lên thời gian chính xác vụ nổ tới từng mili giây. Đây là lần đầu tiên công nghệ này được sử dụng ở Trung Quốc, cho phép công nhân duy trì vận tốc rung dưới 0,2 cm/giây. Điều đó có nghĩa mỗi vụ nổ được tính toán chính xác để đảm bảo tác động không mạnh hơn một bước chân trên Vạn lý Trường thành.

Bắt đầu vào năm 2016, quá trình xây dựng đường hầm và nhà ga hoàn thành sau 3 năm. Đường sắt cao tốc rút ngắn thời gian di chuyển từ thủ đô Bắc Kinh tới Trường thành Bát Đạt Lĩnh từ khoảng 1,5 giờ (hoặc lâu hơn nếu tắc nghẽn giao thông) xuống còn 27 phút. Nhà ga chỉ cách ga cáp treo Trường thành vài phút đi đường và cách điểm khởi đầu Trường thành Bát Đạt Lĩnh khoảng 800m. Đây cũng là nơi đặt thang máy dài thứ hai ở Trung Quốc, dài 88m và cao 42m.

Do khoảng cách tới sân ga, cổng nhà ga đóng 12 phút trước khi khởi hành chuyến tàu cuối cùng thay vì 5 phút như ở các nhà ga khác tại Trung Quốc nhằm đảm bảo hành khách có đủ thời gian đi qua nhà ga rộng lớn.

Vận hành trên tuyến đường sắt Bắc Kinh - Trương Gia Khấu dài 174 km là tàu cao tốc nhiều toa Fuxing hoạt động bằng điện do Tập đoàn đường sắt Trung Quốc phát triển. Ra mắt đầu tháng 1, tàu có thể chạy ở tốc độ lên tới 350 km/h và rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố chính tổ chức Olympic từ 3 giờ xuống 56 phút.

Dù tàu cao tốc chạy tự động, một tài xế theo dõi luôn túc trực mọi lúc. Con tàu có thể tự khởi hành, dừng và điều chỉnh theo những giới hạn tốc độ khác nhau giữa các ga. Tám toa của tàu trang bị tín hiệu 5G, hệ thống đèn thông minh và 2.718 cảm biến để thu thập dữ liệu thời gian thực và phát hiện bất kỳ sự cố nào trong khi vận hành. Toa đặc biệt được thiết kế theo như cầu của các vận động viên. Ví dụ, một số toa có khu vực chứa đồ lớn hơn để đặt dụng cụ thể thao mùa đông, có thể sử dụng thông qua quét mã QR.

Cập nhật: 06/02/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video