Trượt danh hiệu Nobel, được phong danh Hiệp sĩ

Một nhà khoa học có công sớm tiên đoán lý thuyết sự tồn tại “hạt của Chúa” và một nhà khoa học có công lớn tạo ra nó trong phòng thí nghiệm nhưng đều không được ghi danh là chủ nhân của Giải Nobel thì quả là cay đắng.

Giữa tháng 6/2014 vừa qua, Vương quốc Anh đã công bố danh sách các nhân vật nổi tiếng được tôn vinh Hiệp sĩ năm 2014 nhân sinh nhật Nữ hoàng Anh. Trong danh sách đó, không thể thiếu tên các nhà khoa học lớn như: Gs. Jim Tejinder Virdee, Cao đẳng Hoàng gia London (Imperial College London), Gs. Tom Kibble Cao đẳng Hoàng gia London, Gs. John Bernard Pethica, Phòng thí nghiệm vật lý quốc gia, Gs. Colin Blakemore của Đại học London, Gs. Jessica Corner, trưởng khoa khoa học y tế tại Đại học Southampton.


Jim Tejinder Virdee

Hẳn các nhà khoa học, cũng như các nhà hoạt động xuất sắc trong các lĩnh vực khác ở Vương quốc Anh vui mừng đón nhận sự vinh danh đó. Duy đối với hai trường hợp, danh hiệu Hiệp sĩ và sự tôn vinh ở Vương quốc Anh vẫn chưa làm họ toại nguyện. Ngay cả dư luận trong giới khoa học thế giới, đặc biệt ở nước Anh, cũng bàn tán xôn xao xung quanh hai giáo sư vật lý này, nhà nghiên cứu lý thuyết Tom Kibble và nhà nghiên cứu thực nghiệm Jim Tejinder Virdee. Cả hai đều có công lớn với phát minh mang tính thế kỷ tìm ra “hạt của Chúa”, hạt của “Mô hình chuẩn” hay hạt Higgs Boson. Mặc dù sự bàn luận đã bùng nổ ngay trong năm qua vào dịp sự kiện bình chọn Giải Nobel Vật lý năm 2013 diễn ra.

Với Giải Nobel 2013 dành cho phát minh “hạt của Chúa”, dĩ nhiên một nhà khoa học có công sớm tiên đoán lý thuyết sự tồn tại của nó và một nhà khoa học có công lớn tạo ra nó trong phòng thí nghiệm, thế nhưng đều không được ghi danh là chủ nhân của giải thì quả là cay đắng.

Nhà vật lý lý thuyết Tom Kibble là một trong sáu nhà nghiên cứu có công trình nghiên cứu lý thuyết trong những năm 1960 đã dẫn đến việc phát minh ra hạt Higgs boson năm 1964. Nhưng Giải Nobel có quy định ngặt nghèo: với một giải, số người được trao không quá 2. Và Giải Nobel Vật lý 2013 dành cho phát minh hạt Higgs boson đã có hai người được xếp thứ tự trước Kibble, đó là Peter Higgs và Francois Englert (người Bỉ). Và Tom Kibble cùng hai người còn sống khác là Gerald Guralnik, Carl Hagen và một người đã chết Robert Brout, những người từng tham gia nghiên cứu “Mô hình Chuẩn”, dĩ nhiên, bị “tuột” mất chân khỏi danh sách các đề cử viên nhận giải Nobel Vật lý 2013.

Hẳn là đắng đót nhưng Gs. Tom Kibble vẫn lặng lẽ, trong lúc Jim Tejinder Virdee lên tiếng mạnh mẽ. Gs Virdee vừa phàn nàn cho bạn Tom Kibble và vừa cho mình.

Về sự thiệt thòi của người bạn đồng nghiệp, bạn đồng hương, Kibble nói với nhà báo của BBC: “Công trình chúng tôi thực hiện (nghiên cứu thực nghiệm) ở CERN khởi đầu ngay từ những năm 1960 nhờ những báo cáo chuyên đề của chính tác giả Tom Kibble”.


Giáo sư Tom Kibble

Và về bản thân mình, Tejinder Virdee muốn mọi người biết rằng chính ông “đặt nền móng cho nội dung nghiên cứu của hệ thiết bị CMS vào năm 1990 cùng với 4 đồng nghiệp, giám sát sự bố trí thiết bị thí nghiệm và cả tiếp tục hành động như người phát ngôn của thí nghiệm ngay từ lúc lần đầu tiên bắt đầu thu thập số liệu trong những năm đoạn 2006-2010”. Quả là, nhà vật lý thực nghiệm Tejinder Virdee có công lớn trong việc phát hiện “hạt của Chúa” trong phòng thí nghiệm tại hệ thí nghiệm CMS của Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu CERN công bố năm 2012. Chính ông đã thiết kế thí nghiệm CMS, điều khiển cả ngàn nghiên cứu viên và kỹ sư phối hợp với thí nghiệm khổng lồ khác Atlas ghi được và nhận dạng (qua khối lượng, điện tích và cả spin) chính “hạt của Chúa” Higgs boson.

Những điều nhà thực nghiệm Tejinder Virdee giải bày có lẽ không chủ yếu nhằm vào Giải Nobel Vật lý cho “hạt của Chúa” năm trước, vì không nhà vật lý thực nghiệm nào được “dính” vào giải ấy cả. Có lẽ, Virdee muốn hướng đến Giải Nobel của năm nay, thậm chí năm sau và sau nữa.

Vì dư luận cũng thấy rằng, trong phát minh “mang tính thế kỷ” về hạt Higgs boson, “hạt của Chúa”, vai trò của thực nghiệm vô cùng lớn. Một máy gia tốc, các trung tâm nghiên cứu CMS và Atlas hàng tỷ đô-la Mỹ, một đội ngũ các nhà vật lý thực nghiệm đồ sộ, trong đó có những anh tài như Gs. Tejinder Virdee v.v…có sự đóng góp không thể để trôi qua trong lãng quên đối với môt Giải thưởng lớn tầm toàn cầu như Giải Nobel.

Tình hình trên hy vọng sẽ hé mở tính gây cấn và hấp dẫn của việc bình chọn và trao Giải Nobel Vật lý năm nay - 2014 sắp tới.

Theo Vietnamnet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video