TS Trần Việt Hùng: Phản biện phải đi đôi với tư vấn

Trong suốt thời gian trò chuyện trước thềm năm mới, TS Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam, nhấn mạnh nhiều về hoạt động phản biện của các nhà khoa học phải gắn với tư vấn, về việc tập hợp trí thức thông qua những đầu việc cụ thể. Đó cũng là những vấn đề trọng tâm mà Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (LHH Việt Nam) sẽ triển khai trong năm 2011.

Đánh dấu bước phát triển mới

Nhiều nhà trí thức, nhà khoa học cho rằng năm 2010 đánh dấu một bước chuyển mới trong hoạt động của LHH. Cụ thể bước chuyển đó là gì, thưa TS?

Có thể nói, năm 2010 đã có một sự kiện quan trọng tạo cơ hội để đánh dấu một bước phát triển mới cho LHH Việt Nam thì chính xác hơn. Đó là việc Bộ Chính trị ban hành chỉ thị 42- CT/TW dành riêng cho LHH Việt Nam.

Chỉ thị khẳng định "phát triển Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và đội ngũ trí thức KH&CN" và xác định mục tiêu "Đến năm 2020, xây dựng LHH Việt Nam thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ KH&CN".

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ chính trị cũng đã đề ra bốn nhiệm vụ và giải pháp cần phải triển khai là: Tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức LHH Việt Nam; Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của LHH Việt Nam; Tiếp tục thể chế hóa, sửa đổi bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến LHH Việt Nam; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với LHH Việt Nam.

Nhận thức được tầm quan trọng của chỉ thị này, từ LHH trung ương đến LHH các địa phương, các hội ngành toàn quốc đã chủ động xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị.


TS Trần Việt Hùng

Trong năm qua, hoạt động này được thể hiện như thế nào, thưa TS?

Hiện nay, LHH đang khẩn trương xây dựng năm dự án cụ thể để triển khai Chỉ thị 42-CT/TW là Dự án xây dựng Luật phổ biến kiến thức và Luật kỹ sư chuyên nghiệp, Dự án kiện toàn và phát triển tổ chức LHH, Dự án xây dựng cơ chế tư vấn giám định, phản biện xã hội, Dự án xây dựng cơ chế tài chính cho hoạt động của LHH và Dự án xây dựng quy chế hoạt động của Đảng đoàn LHH. Tuy nhiên, các hội thành viên, đặc biệt nhiều LHH địa phương đã không thụ động chờ đợi mà với sự quan tâm của các Đảng bộ địa phương đã chủ động xây dựng các chương trình hành động của mình một cách sáng tạo, phù hợp với tình hình và đặc điểm của địa phương mình.

Ví dụ, LHH Hải Dương đã xây dựng cả một chương trình truyền bá kiến thức hoạt động hiệu quả và tạo được uy tín cho LHH địa phương. Ở LHH trung ương, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong năm qua cũng đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt, bước đầu đã xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa LHH Việt Nam với Quốc hội trong lĩnh vực này.

Thông qua Quốc hội, chúng ta đã chuyển tải được những ý kiến của đội ngũ trí thức KH&CN đối với những vấn đề quan trọng của đất nước như: Dự án đường sắt cao tốc, bauxite Tây Nguyên, quy hoạch Hà Nội... Ban Bí thư đã tin tưởng giao cho LHH nhiệm vụ tập hợp ý kiến của đội ngũ trí thức KH&CN đóng góp cho các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XI .

Có thể thấy các nhà khoa học đã thực sự chủ động vào cuộc trước các vấn đề nóng?

Với sự ra đời của Chỉ thị 42-CT/TW, các nhà khoa học có thể chủ động vào cuộc khi có những sự kiện, những vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt, những vấn đề liên quan đến khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, ở đây, tôi cũng xin nhấn mạnh, cái giá trị đặc sắc trong hoạt động tư vấn phản biện của LHH chính là phản biện độc lập, trung thực kèm theo tư vấn một cách khoa học. Nhìn vào ngôi nhà mới xây rồi nhận xét những điểm xấu, những điểm không hợp lý của nó thì dễ, nhưng đưa ra được những tư vấn cụ thể để chủ nhà có thể sửa ngôi nhà đó đẹp hơn, hợp lý hơn mới là điều giới khoa học và công nghệ chúng ta cần phải làm.

Nhưng đâu đó vẫn có ý kiến nhận xét, phản biện kiểu... nói lấy được?

Lâu nay cũng đã xảy ra một vài hiện tượng hơi quá đà trong phản biện. Một số người cho rằng phản biện phải là đối trọng. Điều đó không thực sự chính xác. Nếu nhìn từ góc độ tích cực, hoạt động tư vấn phản biện nghĩa là phải cùng với Nhà nước, cùng Chính phủ tìm ra những cách đi, những cách làm tốt hơn, có lợi hơn cho đất nước.

Giao từng đầu việc cụ thể

Mấy năm nay nước ta đã nói đến chuyện trải thảm đỏ chiêu mộ nhân tài như cấp nhà, mua xe... Liệu những đãi ngộ này có thu hút được nhân tài, thưa TS?

Chúng ta đang thu hút nhân tài theo cách cổ điển và xơ cứng. Chúng ta đặt ra những tiêu chuẩn như TS nước ngoài về được cấp nhà bao nhiêu m2, trả lương theo hệ số nào. Làm kiểu ấy chẳng bao giờ thu hút được nhân tài.

Theo TS, người tài cần nhất cái gì?

Cái người tài cần nhất không phải là nhà cửa, lương bổng mà là môi trường làm việc, môi trường sống, môi trường văn hóa. Nhiều địa phương vẫn đưa ra những chính sách thu hút nhân tài theo kiểu mời nhân tài về ở hẳn. Làm sao mà một trí thức đang sống ở Hà Nội có thể đưa vợ con lên một nơi heo hút để ở cả đời được. Chúng ta đã từng có chính sách luân chuyển cán bộ, đặc biệt là cán bộ ngành giáo dục. Nhưng thực tế đáng buồn là đi thì dễ nhưng về thì rất khó. Điều này lý giải vì sao giới trí thức cứ quyết bám trụ lại Hà Nội và TP.HCM.

Thay vì chính sách đãi ngộ như một số địa phương đang áp dụng hiện nay, có thể tìm ra những cách khác để "kéo" nhân tài về phục vụ đất nước không, thưa TS?

Chúng ta hãy đưa ra đầu việc, tuyển chọn những chuyên gia giỏi về thực hiện trong vài tháng, có thể một vài năm. Xong việc họ lại trở về môi trường sống và làm việc của họ. Ví dụ, như trường hợp GS Ngô Bảo Châu, nếu cứ mời GS về nước ở hẳn thì chỉ một vài năm, không có điều kiện trao đổi với những tinh hoa toán học trên thế giới thì kiến thức cùng bị mòn đi không phát triển được.

Cá nhân tôi cho rằng, nước ta cũng đang có đội ngũ trí thức giỏi rải rác ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta không nên mời họ về hẳn trong nước làm việc. Nhưng, đối với những vấn đề mà chúng ta cần và với đãi ngộ hợp lý,chúng ta có thể thu hút các chuyên giỏi từ khắp nơi trên thế giới . Hãy đưa các đầu việc cụ thể kèm theo đãi ngộ phù hợp với từng điều kiện cụ thể chứ không thể áp dụng chung chung theo kiểu cấp nhà, cấp xe, với yêu cầu phải ở lại hẳn.

LHH cũng đang bàn tính đến chuyện này, thưa TS?

Chúng tôi đang dự kiến thử nghiệm: Trong năm tới, các ban chức năng phải đưa ra hệ thống các vấn đề lớn cần phải giải quyết. Ví dụ, lũ lụt ở miền Trung, năm nào cũng có, giải pháp như thế nào, sống chung hay giảm thiểu được nó. Khi có đầu việc, chúng ta mời các chuyên gia, cả trong và ngoài nước cùng tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp. Chúng tôi cũng đang xây dựng ngân hàng dữ liệu chuyên gia. Ngân hàng này sẽ giúp chúng tôi tập hợp được nhiều chuyên gia giỏi trong nhiều lĩnh vực. Khi cần là sẽ có. Tuy nhiên, ở đây, LHH Việt Nam sẽ là đầu mối nhưng phải có hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế cũng như kinh phí để LHH có thể mời gọi các chuyên gia trong nước, Việt kiều và cả chuyên gia nước ngoài tham gia.

Xin cảm ơn TS!

Một số hoạt động nổi bật của LHH trong năm 2010
- Ngày 28/4, tại Hà Nội tổ chức thành công Đại hội toàn quốc lần thứ VI của LHH Việt Nam. Đại hội đã bầu Hội đồng TƯ nhiệm kỳ VI, bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

- Tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị: Trong năm 2010 LHH Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị 42 ở cả hội ngành trung ương, các LHH địa phương thuộc 3 miền Bắc ,Trung, Nam.

- Tổ chức lấy ý kiến đóng góp của giới trí thức KH&CN cho dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI tại cả ba miền Bắc ,Trung, Nam. Các buổi ý kiến được đánh giá là có chất lượng tốt, các ý kiến đều rất thiết thực, có tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng và Nhà nước.

- Tổ chức tư vấn phản biện các dự án quan trọng quốc gia. Năm 2010, LHH Việt Nam đã tư vấn, phản biện cho hàng loạt các vấn đề lớn của đất nước như đường sắt cao tốc, bauxite Tây Nguyên... Những hoạt động này đã gây được tiếng vang lớn đối với xã hội, thể hiện được sự chủ động tích cực của giới trí thức KH&CN Việt Nam trong việc đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

- Tổ chức thành công Hội nghị Liên đoàn các tổ chức kỹ sư Đông Nam Á 2010 (CAFEO 28). Hội nghị đã thu hút sự tham gia của khoảng 300 kỹ sư chuyên nghiệp đến từ 10 tổ chức thành viên Liên đoàn các tổ chức kỹ sư Đông Nam Á; ...Với nhiều hoạt động hội thảo, vinh danh... CAFEO 28 được các đoàn đánh giá là hội nghị có chất lượng tốt nhất trong các kỳ CAFEO từ trước tới nay.

Theo Bee.net
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video