Các chuyên gia đang nỗ lực phát triển tử cung nhân tạo cho trẻ sinh quá thiếu tháng sau khi thử nghiệm thành công trên động vật.
Các nhà nghiên cứu Tây Ban nha phát triển tử cung nhân tạo. (Video: Reuters).
Trong thử nghiệm, nguyên mẫu nhau thai nhân tạo đã tái tạo môi trường bảo vệ với một vật chứa trong suốt làm bằng vật liệu tương thích sinh học, Reuters hôm 30/6 đưa tin. Bên trong đó, phổi, ruột và não của bào thai có thể tiếp tục phát triển. Vật chứa kết nối với một hệ thống lưu thông nước ối để giữ cho thai cách ly khỏi các kích thích bên ngoài nhưng vẫn có thể tiếp cận để theo dõi và kiểm soát siêu âm.
Trẻ sinh ra chỉ sau 6 tháng trong bụng mẹ hoặc ít hơn được coi là quá thiếu tháng với nguy cơ tử vong hoặc khuyết tật cao. Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, khoảng 900.000 trẻ sơ sinh như vậy trên thế giới đã chết năm 2019.
"Chúng tôi cố gắng phát triển một hệ thống cho phép giữ bào thai bên ngoài cơ thể người mẹ nhưng vẫn ở trong các điều kiện của thai như tiếp tục thở qua dây rốn, ăn qua dây rốn, bao bọc xung quanh là một chất lỏng ở nhiệt độ không đổi", trưởng dự án Eduard Gratacos cho biết. Ông dẫn đầu một nhóm gồm 35 người từ trung tâm nghiên cứu y học BCNatal và tổ chức Fundacion La Caixa.
Hệ thống cho phép giữ bào thai bên ngoài cơ thể người mẹ.
Nhóm chuyên gia đã tiến hành các nghiên cứu tiền lâm sàng trên cừu non và giữ được bào thai sống trong 12 ngày. Họ cũng lên kế hoạch thử nghiệm với lợn trước khi đề xuất thử nghiệm trên người trong vài năm tới.
"Dự án rất phức tạp, bao gồm nhiều chuyên ngành y học khác nhau và đòi hỏi các kỹ sư từ nhiều lĩnh vực. Đó là một thách thức lớn, sẽ cực kỳ phức tạp để đánh lừa tự nhiên và biến điều này thành khả thi", Gratacos cho biết.
Kelly Werner, phó giáo sư nhi khoa tại Đại học Columbia, cho rằng kết quả khả quan của nhóm Tây Ban Nha phải được kiểm tra nghiêm ngặt trong các thử nghiệm lâm sàng trên người để đánh giá độ an toàn và tác dụng phụ. "Đây là một bước phát triển thú vị, nhưng nhau thai nhân tạo không nhằm thay thế nhau thai tự nhiên. Dù có những tiến bộ như thế này, chúng ta vẫn nên nỗ lực tối đa để hỗ trợ sức khỏe người mẹ và giảm các yếu tố nguy cơ dẫn đến sinh non", Werner nhận định.