Khi đang phải dùng thuốc kháng sinh, có thể bạn sẽ thắc mắc uống vài "chén" có sao không?
Với một số thuốc kháng sinh, câu trả lời là "không". Tuy nhiên, với hầu hết các loại thuốc, câu trả lời chắc chắn là "có".
Theo báo NewsAsia, mối bận tâm về rượu và thuốc kháng sinh được cho là xuất phát từ ngành công nghiệp cao su của thập niên 1880. Khoảng thời gian này, các nhà sản xuất bắt đầu sử dụng một hóa chất có tên gọi là disulfiram nhằm đẩy nhanh quá trình lưu hoá cao su. Chẳng mấy chốc, công nhân cao su bắt đầu trải qua một phản ứng kỳ lạ: Họ trở nên ốm yếu sau khi uống rượu.
Vào những năm 1940, các bác sĩ tìm hiểu lợi ích của disulfiram như một phương pháp điều trị chứng nghiện rượu. Bệnh nhân dùng thuốc sau khi uống rượu có biểu hiện buồn nôn, nôn, ra mồ hôi, đỏ bừng mặt, tim đập nhanh, đau đầu và một loạt các triệu chứng khó chịu khác. Kết quả là nhiều người sau đó bỏ rượu. Loại thuốc này hiện được bán trên thị trường dưới tên thương hiệu Antabuse.
Không có nghiên cứu nào chứng minh rằng uống rượu khi dùng kháng sinh là an toàn.
Trong những năm 1960, thuốc kháng sinh metronidazole (tên thương hiệu là Flagyl) đã được giới thiệu tại Hoa Kỳ. Không lâu sau, các bác sĩ bắt đầu nhận thấy các triệu chứng tương tự như trên ở những bệnh nhân uống rượu. Các triệu chứng khó chịu đến nỗi metronidazole sau đó cũng được nghiên cứu để điều trị chứng nghiện rượu.
Mặc dù metronidazole không được sử dụng để cai rượu nhưng đây vẫn là một loại thuốc quan trọng trong điều trị các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa khác, bao gồm viêm túi thừa và trong điều trị các bệnh phụ khoa và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Loại thuốc này an toàn và hiệu quả, với lưu ý người dùng phải tránh uống rượu.
Một vài loại kháng sinh khác cũng được báo cáo là có gây phản ứng với rượu. Hầu hết trong số này là các loại cephalosporin, một nhóm kháng sinh phổ biến được sử dụng rộng rãi trong điều trị nhiều loại bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, trong nhiều loại cephalosporin, chỉ một số ít được báo cáo là gây ra phản ứng với rượu.
Phần lớn thuốc kháng sinh không phản ứng với rượu? Thông tin sản phẩm của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho 5 loại kháng sinh được kê đơn thường xuyên nhất tại Hoa Kỳ gồm: amoxicillin (Amoxil), azithromycin (Zithromax), amoxicillin-clavulanate (Augmentin), cephalexin (Keflex) và ciprofloxacin (Cipro) không hề đi kèm các thông tin cảnh báo về việc dùng rượu. Tương tự, các sản phẩm chữa ho và cảm lạnh có chứa cồn cũng không cảnh báo việc tránh sử dụng với thuốc kháng sinh. Trong khi không có nghiên cứu nào chứng minh rằng uống rượu khi dùng kháng sinh là an toàn, khả năng xảy ra các phản ứng nghiêm trọng có vẻ thấp.
Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu không sử dụng rượu khi đang phải chống nhiễm trùng, bởi rượu có thể phản ứng với nhiều loại thuốc khác hơn là thuốc kháng sinh và kích thích niêm mạc dạ dày bị viêm. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ thường khuyên bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ về bất kỳ loại đồ uống có cồn nào mình đang sử dụng hoặc sắp dùng.