Vạn Lý Trường Thành có nguy cơ bị huỷ hoại nghiêm trọng

Theo đề cử mới đây thì Vạn Lý Trường Thành vẫn nằm trong số những kỳ quan thế giới mới được Liên hợp quốc xếp hạng trong năm 2007. Thế nhưng hiện nay Vnạ Lý Trường Thành đang phải đối mặt với nguy cơ bị huỷ hoại nghiêm trọng cả từ phía tự nhiên lẫn con người.

Từ Vạn Lý Trường Thành trên mặt đất

Theo đề cử mới đây thì Vạn Lý Trường Thành vẫn nằm trong số những kỳ quan thế giới mới được Liên hợp quốc xếp hạng trong năm 2007. Đối với người Trung Quốc, Vạn Lý Trường Thành là một minh chứng về sự phát triển trong suốt 2.400 năm lịch sử của đất nước này.

Tuy có lịch sử hơn 2.400 năm, song cho đến nay Vạn Lý Trường Thành vẫn còn khá nhiều bí ẩn chưa được tiết lộ. Điều đáng nói nhất là về chiều dài của Vạn Lý Trường Thành cho đến nay chưa có một công bố chính thức nào.

Có tài liệu nói độ dài của công trình vĩ đại này từ 4.800km đến 6.400km, nhưng có sách lại viết rằng, nó dài 6.700km, còn theo công bố mới nhất thì Vạn Lý Trường Thành dài tới 7.300km. Được biết công tác đo đạc đã được tiến hành từ ngày 16/11/2005 và cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc này là Viện Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc.

Giới truyền thông cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ sử dụng vệ tinh và những công nghệ tiên tiến khác để xác định lại chiều dài của Vạn Lý Trường Thành, đồng thời tìm ra những biện pháp và phương thức tốt nhất để bảo vệ danh thắng nổi tiếng kể trên.

Theo giới truyền thông, kể từ sau khi được Liên hợp quốc xếp hạng di sản thế giới (năm 1987), Vạn Lý Trường Thành càng thu hút sự quan tâm của du khách thế giới. Theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 10 triệu du khách tới tham quan, du lịch tại Vạn Lý Trường Thành.


(Ảnh: friedmanarchives)

Người Trung Quốc có câu “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán”. Chính vì thế nên nhiều du khách quốc tế khi tới Trung Quốc đều cố gắng đặt chân tới Vạn Lý Trường Thành. Bên cạnh việc quan tâm, yêu mến của du khách là sự lo lắng của các nhà quản lý.

Chính phủ Trung Quốc phải ban hành biện pháp cứng rắn, theo đó từ 1/12/2006, cấm 7 loại hình tổ chức tại Vạn Lý Trường Thành. Được biết trước đây thủ đô Bắc Kinh từng ban hành quy định cấm sử dụng Vạn Lý Trường Thành vào mục đích thương mại, nhưng bất thành.

Khi thông qua bản dự thảo điều lệ bảo vệ Vạn Lý Trường Thành, Quốc vụ viện Trung Quốc đã khẳng định, đây là di sản văn hoá thế giới, là hình tượng của dân tộc Trung Hoa, vì vậy bảo vệ Vạn Lý Trường Thành có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội văn minh.

Theo điều lệ này, nếu điều khiển phương tiện giao thông hoặc mang phương tiện giao thông lên Vạn Lý Trường Thành sẽ bị phạt tối đa 500.000 NDT; Gây ô nhiễm môi trường trên Vạn Lý Trường Thành sẽ bị phạt từ 10.000 NDT đến 50.000 NDT; Khu du lịch đón tiếp số lượng du khách quá giới hạn cho phép bị phạt từ 50.000 NDT đến 500.000 NDT.

Các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách của khu du lịch phải phù hợp với quy hoạch tổng thể của Vạn Lý Trường Thành. Đơn vị và cá nhân không được xây dựng công tình trên Vạn Lý Trường Thành. Việc tu sửa Vạn Lý Trường Thành sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Bảo hộ di sản văn hoá do đơn vị được cấp phép tu sửa đảm nhận.

Cá nhân hoặc đơn vị nào làm hư hại Vạn Lý Trường Thành phải chịu chi phí tu sửa... Có một thực trạng là tại một đoạn tường thành ở khu vực gần Bát Đạt Lĩnh, khách du lịch đã khắc gần như kín tên của họ trên những viên gạch ở đây. Đây là lần thứ 8 người ta ban hành lệnh cấm vui chơi, nhảy múa, chè chén… tại Vạn Lý Trường Thành, song đây là lần đầu tiên người ta thấy nó bị giới truyền thông tập trung đưa tin.

Được biết đã có nhiều tiếng nói từ khắp nơi vang lên cảnh báo về tình trạng xuống cấp của Vạn Lý Trường Thành như không thể chống đỡ nổi trước sự tàn phá của thiên nhiên và con người, hay đang bị ngắn lại… Thậm chí Quỹ Bảo tồn bảo tàng thế giới đã liệt Vạn Lý Trường Thành vào danh sách “những khu vực gặp nhiều nguy hiểm nhất”.

Sự tấn công của con người nhanh và mạnh tới mức khó tưởng tượng. Người ta vẫn kinh doanh, thậm chí xây nhà hàng, khách sạn ngay trên đỉnh tháp cổ cho dù đã có quy định “Cấm các hoạt động kinh doanh trong phạm vi từ 500 mét trở lại”.

Theo thống kê, chỉ có khoảng 1/3 chiều dài của Vạn Lý Trường Thành đã bị biến mất theo tháng năm, 1/3 còn giữ gần như nguyên trạng và 1/3 đang bị xâm hại bởi sự tàn phá của thiên nhiên và con người. Nhiều người đã tính tới khả năng Vạn Lý Trường Thành sẽ bị biến mất trước sức tàn phá ghê gớm của con người.

Vạn Lý Trường Thành bị ngắn lại cũng một phần do nhu cầu thiết yếu. Để mở quốc lộ 110 chạy từ phía Đông tới Tây Tạng, người ta buộc phải phá bỏ một chòi gác có lịch sử hơn 2.200 năm. Ngoài ra một số đoạn của Vạn Lý Trường Thành đã bị bão cát sa mạc Gobi vùi lấp.

Vạn Lý Trường Thành đã tồn tại qua 25 thế kỷ, trong quá khứ, với tư cách một công trình có ý nghĩa quân sự thì nó là biểu tượng của chiến tranh, còn ngày nay thì đây là điểm thu hút khách du lịch bởi sự hùng tráng và lãng mạn.

Quá trình xây dựng Vạn Lý Trường Thành

Trên thực tế Vạn Lý Trường Thành được xây dựng từ thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên), Chiến Quốc (475-221 trước Công nguyên), nhưng khi đó nó chỉ là những bức tường thành riêng lẻ. Khi đó hơn 20 nước là Sở, Tề, Yến, Ngụy, Hàn, Triệu, Tần... đã xây dựng những bức tường thành nhằm ngăn chặn sự tấn công của các quốc gia khác cũng như giặc Hung Nô.

Chỉ đến khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất đất nước, những trường thành kể trên mới chính thức được hợp nhất tạo nên Vạn Lý Trường Thành. Sau khi nhà Tần xây dựng được bức tường dài 10.000 dặm (221-207 trước Công nguyên), nhà Hán, nhà Nguỵ, nhà Tề, nhà Tuỳ, nhà Liêu, nhà Tấn, nhà Minh tiếp tục công cuộc duy tu, bảo dưỡng, kéo dài Vạn Lý Trường Thành.

Theo các nhà chuyên môn, nhà Tần có công tạo dựng nên Vạn Lý Trường Thành, nhà Hán và nhà Minh có công kéo dài Vạn Lý Trường Thành như ngày nay, còn những triều đại khác chỉ tham góp theo kiểu duy tu, bảo dưỡng. Được biết tới đời nhà Minh (1368-1644), Vạn Lý Trường Thành mới thực sự được hoàn chỉnh bởi ngoài việc bảo quản 5.000 km tường thành có từ trước đó, người ta còn cho nâng cấp tới 18 lần và xây thêm 1.000km tường thành nữa.


Vạn Lý Trường Thành dưới con mắt của người tham quan.(Ảnh: Mit.edu)

Khu vực mà du khách ngày nay tham quan đều là những tường thành được xây dựng từ thời nhà Minh để lại. Sử sách cũng như dân gian từng nói rằng, để tạo dựng nên Vạn Lý Trường Thành, hàng chục triệu người dân cùng binh lính đã phải lao động cực nhọc trong một thời gian dài và đã có không ít người phải bỏ mạng.

Được biết, chỉ riêng việc kết nối các bức tường thành riêng lẻ để tạo nên Vạn Lý Trường Thành, nhà Tần đã huy động 300.000 lính và hàng triệu người dân đi lao dịch trong suốt 10 năm liền. Đến thời Bắc Tề, gần 2 triệu nhân công được huy động để xây dựng 450km nhằm kéo dài thêm Vạn Lý Trường Thành.

Các nhà quân sự cho biết, dọc theo Vạn Lý Trường Thành người ta lập nhiều tháp canh để khi bị địch tấn công họ sẽ dựng một cột khói nếu quân địch dưới 500 người, 2 cột khói nếu quân địch dưới 3.000 người... Nhưng theo quy định thời nhà Minh thì dựng một cột khói và bắn một phát pháo thể hiện quân địch có khoảng 100 người, dựng hai cột khói và bắn hai phát pháo thể hiện quân địch có khoảng 500 người, dựng ba cột khói và bắn ba phát pháo thể hiện quân địch có trên 1.000 người.

Giới quân sự cho biết, nhờ có Vạn Lý Trường Thành mà nhiều triều đại đã đứng vững trước sự tấn công của ngoại xâm, cũng như nội loạn. Việc xây dựng nên Vạn Lý Trường Thành vừa là một kỳ tích, vừa là sự tiếp nối của các triều đại. Chính vì Vạn Lý Trường Thành được xây dựng qua nhiều triều đại nên nguyên vật liệu để xây dựng cũng không nhất quán. Tuy nhiên nguyên vật liệu chủ yếu vẫn là đất, sỏi, gạch, ngói và vôi.

Ngoài ý nghĩa quân sự, Vạn Lý Trường Thành còn có ý nghĩa văn hoá rất lớn lao. Người cổ xưa quan niệm, sự tồn tại của Vạn Lý Trường Thành, đồng nghĩa với sự tồn tại của họ và Vạn Lý Trường Thành là niềm tự hào của người Trung Quốc.

Có một điều rất thú vị là độ dài và chiều rộng của Vạn Lý Trường Thành gần giống với kích thước của những tuyến đường cao tốc hiện đại ngày nay. Có người nói rằng, nếu không có chuyến du hành lên không trung của Dương Lợi Vỹ thì người Trung Quốc vẫn cho rằng, Vạn Lý Trường Thành có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ vũ trụ.

Theo du hành gia Dương Lợi Vỹ, sở dĩ Vạn Lý Trường Thành không thể nhìn thấy từ vũ trụ bằng mắt thường bởi bề rộng của nó chỉ có vài mét. Nói tới Vạn Lý Trường Thành không thể bỏ qua những cửa ải nổi tiếng tại đây.

Đầu tiên phải kể tới là Sơn Hải quan bởi đây là khởi điểm và là cửa ải đầu tiên của Vạn Lý Trường Thành. Tiếp đến là Gia Dụ quan, khởi điểm phía Tây của Vạn Lý Trường Thành và được xây dựng năm 1372. Nương Tử quan (trước đó có tên gọi Vi Trạch quan) là một trong những cửa ải hiểm trở nhất, dễ phòng thủ, khó tấn công của Vạn Lý Trường Thành. Nhạn Môn quan là một trong những cửa ải có vóc dáng hoành tráng nhất của Vạn Lý Trường Thành bởi hai bên là những vách núi dựng đứng...

Đến Vạn Lý Trường Thành dưới lòng đất và trên sông

Trường Thành dưới lòng đất” của Trung Quốc hiện có quy mô lớn nhất thế giới và nó được xây dựng cách đây hơn 1.000 năm. Được biết khu địa đạo này được phát hiện vào những năm cuối thập niên 1990. Sau khi tới tham quan thực địa, hàng trăm nhà khoa học, lịch sử, khảo cổ, địa chất, du lịch… đều có chung một nhận định: Đây là địa đạo được xây dựng từ thời nhà Tống, nhà Liêu. Địa đạo này được xây dựng với mục đích quân sự và có tính năng giống như Vạn Lý Trường Thành trên mặt đất.

Nó chạy theo hướng Đông - Tây dài 65km, được phân bố trên diện tích 1.600km2, nằm giữa Bắc Kinh và Thiên Tân, nơi vốn là chiến trường kéo dài hàng trăm năm giữa hai triều Tống-Liêu. Đây được coi là phát hiện quan trọng trong lịch sử quân sự và là báu vật quốc gia.

Quốc Trung (tổng hợp)

Theo CAND.com.vn
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video