Vào rừng, bắt dơi

Thạc sĩ Vũ Đình Thống, nhà khoa học trẻ chuyên nghiên cứu về dơi tiết lộ đôi điều chuyện nghiên cứu dơi ở Việt Nam.

Chuyên gia Vũ Đình Thống cùng với một đồng nghiệp nước ngoài đang phân tích mẫu dơi. (Ảnh: M.N)

Với kinh nghiệm gần 10 năm chỉ chuyên sâu nghiên cứu về dơi, ThS Vũ Đình Thống (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật) cho biết, muốn tìm hiểu dơi hoặc bắt chúng về để nghiên cứu, chỉ còn cách đi vào tận rừng sâu...

Vào rừng, bắt dơi...

Vốn dĩ, dơi thường sống ở những cánh rừng hiện trạng còn tốt, có nhiều núi đá, tán cây um tùm như các Vườn Quốc gia Bến En (Thanh Hoá), Xuân Sơn (Phú Thọ), Phong Nha - Kẻ Bàng, Phú Quốc (Đảo Phú Quốc). Suốt dọc VIệt Nam, ở đâu có những cánh rừng như vậy thì đều có thể tìm thấy dơi.

Thế nhưng, đi tìm dơi thì không dễ… Thường là các nhà khoa học phải đi bộ dọc theo những con đường mòn quanh co của dãy núi đá. Gặp nơi hiểm trở, các nhà khoa học còn phải… đu dây trèo lên sườn núi để tìm đường mà đi!.

Chốn rừng sâu heo hút, ông Vũ Đình Thống không khỏi rùng mình nhớ lại cảnh phải cắm trại giữa rừng vắng, làm bạn với cây cỏ và muông thú trong đêm tỉnh mịch. Nào là ngày nắng nóng, đêm lạnh buốt, bọ rừng thi nhau đốt người, hút máu…

Nhưng cái khổ nhất là, không có nước bởi không phải nơi nào mà các nhà khoa học đặt chân đến cũng có nguồn nước. .

Có những lần, cả tuần, nguyên đoàn thực địa không tắm vì chỉ có một nguồn nước nhỏ để ăn. Cực khổ như thế nên các nhà khoa học chỉ có thể nuốt nỗi mỗi ngày một bữa cơm với… rau rừng,

Ác một nỗi, dơi thường bay ra kiếm ăn từ lúc mặt trời lặn đến 11h đêm. Sau đó, chúng lại “lặn” mất tiêu đến 3-4 giờ sáng lại bay đi kiếm ăn tiếp. Thành thử, nhà khoa học phải đi giăng bẫy để bắt dơi từ lúc mặt trời lặn. Đến khi mặt trời bắt đầu mọc là lúc dơi bay về nơi ở và cũng là lúc đoàn thực địa đóng lưới.

Đoàn thực địa thường bắt đầu giăng bẫy vào lúc mặt trời lặn từ 17 giờ30 - 20 giờ.

Một loại bẫy chuyên biệt để bắt dơi. (Ảnh: M.Nguyệt)

Bắt dơi không phức tạp nhưng đòi hỏi phải có một thiết bị chuyên nghiệp , gọi là lưới mờ. Đây là một loại lưới đặc biệt giống như lưới đánh cá nhưng khi giăng lên, ngay cả ban ngày chúng ta cũng không nhìn thấy mắt lưới. Một loại thiết bị thứ hai là bẫy thụ cầm. Nó bao gồm một khung sắt và các sợi cước.

Sở dĩ phải có 2 loại thiết bị đặc biệt nói trên do dơi phát ra siêu âm hình nón và định vị vật cản rất chính xác. Do vậy, cả hai loại thiết bị này được thiết kế đẻ cản phá siêu âm của dơi khiến dơi dễ lọt lưới.

Nói đến dơi, người ta thường nhắc đến khả năng phát ra siêu âm ở dơi, nhưng theo ông Vũ Đình Thống, không phải loài dơi nào cũng phát ra siêu âm. chỉ những loài dơi ăn thức ăn động vật, côn trùng, cánh cứng... dùng siêu âm Còn các loài dơi ăn thực vật, mật hoa quả thì hầu như không có siêu âm.

Dơi phát ra siêu âm từ vòm họng giống như người có một dây thanh quản để phát ra âm thanh bằng một hệ cơ rất đặc biệt. Mục đích của việc phát ra siêu âm để định vị một cách chính xác con mồi và nơi ở. Ngoài ra, dơi phát ra siêu âm trong quan hệ bầy đàn, tìm con, tìm bạn và kêu cứu...

Ngày ngủ, đêm đi kiếm mồi

Trong số 110 loài, 31 giống, 7 họ và 2 phân bộ dơi của Việt Nam chỉ có duy nhất hai loài dơi thuộc họ dơi ăn quả có siêu âm là dơi cáo nâu (Rousettus leschenaulti) và dơi cáo xám (Rousettus amplexicaudatus).

Nhưng siêu âm của chúng rất ít và chậm, ngược lại khứu giác lại rất phát triển ngay cả trong bóng tối chúng cũng có thể phát hiện được mồi.

Dơi thường ngủ vào ban ngày và hoạt động vào ban đêm khi chúng cảm nhận có ánh sáng yếu thì một con bay ra thăm dò trước sau đó cả đàn bay ra.

Dơi thường sống theo bầy đàn ở những nơi thiếu ánh sáng. Nơi ở của dơi vô cùng đa dạng. Đó có thể là một tàu lá chuối, lá cọ, dưới tán cây, hay trong một cái hốc cây, lỗ tre… dơi cũng trú ngụ được tuốt miễn là môi trường xung quanh đủ an toàn, đủ nguồn thức ăn và không bị săn bắt.

Kẻ thù chủ yếu của dơi là các loài chim ăn thịt thú như cú, chim đại bàng, diều hâu. Nếu sống trong hang, kẻ thù chính của dơi là trăn và rắn.

Dơi cũng bị bọ, ve tấn công. Các nhà khoa học còn phát hiện, giống như người, nhiều khi chúng cũng bị nhiễm cả giun sán.

Đời sống tình dục của dơi

Dơi khá kỹ tính trong việc tìm bạn đời không phải bất cứ con đực nào sinh ra cũng được kết đôi với con cái. Chỉ có những con đực đủ sức khoẻ cạnh tranh, hoặc có những vũ điệu khiến con cái "siêu lòng". Trong suốt tuổi thọ của dơi là từ 11 - 14 năm cũng có những con đực không bao giờ được kết đôi.

Nhưng mùa sinh sản năm sau chúng lại có thể kết đôi với con đực khác trừ một số loài dơi rất chung thuỷ như dơi lá mũi lớn (tên khoa học Rhinolophus luctus) chúng sống đơn lẻ theo từng cặp và cặp đôi suốt cả cuộc đời.

Dơi thường sinh sản vào mùa xuân, mỗi lứa dơi chỉ sinh một con. Thời gian mang thai của các loài dơi từ 40-50 ngày. Khi mới sinh ra hai ba tuần đầu dơi con bám vào bụng mẹ và ăn sữa, sau ba tuần dơi mẹ sẽ để con ở nơi ở và bay đi kiếm ăn. Thời gian dơi con được sinh ra cho đến khi trưởng thành là từ 1-1,5 năm tuỳ thuộc từng loài.

Bộ phận sinh dục của dơi cái có một điểm khác biệt so với các loài động vật có vú khác là chúng có bộ phận lưu giữ và nuôi sống tinh trùng rất tốt. Bộ phận này có thể lưu giữ tinh trùng từ mùa đông năm nay sang mùa đông năm sau.

Nếu trước mùa sinh sản chúng không giao phối với bất cứ con đực nào, hoặc giao phối thì chúng vẫn sử dụng tinh trùng trong bộ phận lưu trữ đó và sinh sản bình thường vào mùa xuân.

Ba loài dơi mới

Việt Nam hiện có 3 loài dơi mới vừa được phát hiện. Đó là dơi lá sa men (Rhinolophus shameli), dơi mũi nhẵn lớn (Kerivoula Kachinnensis), dơi mấu tai khía (Phoniscus jagorii).

Sau khi phát hiện ba loài dơi mới này, chuyên gia về dơi Vũ Đình Thống đã gửi mẫu đến Viện đầu ngành về dơi Acta Chiropterologica tại Anh để kiểm nghiệm.

Kết quả là cả ba loài dơi này đều được công nhận là loài dơi mới của Việt Nam và đã được đăng trên Tạp chí Acta Chiropterologica (Tạp chí về dơi - cùng tên Viện ) số 8(1): 83-93, 2006.

Trong tài liệu biên soạn đề nghị đưa vào Sách Đỏ mới của Việt Nam, có tên một số dơi có nguy cơ tuyệt chủng như dơi mũi ống cánh lông (Harpiocephalus harpia), Dơi lá tô ma (Rhinolophus thomasi), Dơi chó cánh ngắn (Cynopterus brachyotis), Dơi nếp mũi không đuôi (Ceolops frithii) .... nhưng cho đến nay thì báo động nhất vẫn là loài dơi ngựa (Pteropus hypomelanus).

Trên thế giới hiện nay có trên 1 nghìn loài dơi. Riêng Việt nam có 110 loài, chiếm trên 10% loài trên thế giới.

Các nhà khoa học hy vọng, sẽ còn tiếp tục phát hiện ra nhiều loài dơi mới ở Việt Nam.


Dơi nâu - Eptesicus Serotinus (Ảnh: wikipedia.org)


Dơi nếp mũi hai màu - Hipposideros bicolor (Ảnh: VNN)


Dơi quả không đuôi lớn - Megaerops-niphanae (Ảnh: mammalogy.org)


Dơi muỗi sọ dẹt - Pipistrellus abramus (Ảnh: miyakyo-u.ac.jp)


Dơi lá đuôi - Rhinolophus affinis (Ảnh: mammalogy.org)


Dơi mũi ống cánh lông - Harpiocephalus-harpia (Ảnh: VNN)


Dơi tai chân nhỏ - Myotis Muricola (Ảnh: fieldmuseum.org)


Dơi muỗi sọ nhỏ - Pipistrelles Paterculus (Ảnh: VNN)


Dơi tai mặt lông - Myotis-annectans (Ảnh: mammalogy.org)

Ngọc Huyền

Theo VietNamNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video