Vệ tinh bay trên Trái đất 550km quay video selfie

Vệ tinh MP42 sử dụng gậy selfie để ghi hình chính mình với nền phía sau là Great Barrier, rạn san hô rộng tới 344.400 km2 ở ngoài khơi Australia.


Video: NanoAvionics

NanoAvionics, công ty vệ tinh có trụ sở tại Mỹ và Anh, công bố video với độ phân giải 4K hôm 28/6 cho thấy vệ tinh MP42 bay cao 550 km phía trên rạn san hô Great Barrier và biển San hô ở phía đông bắc Australia. Video được ghi lại với sự trợ giúp của gậy selfie và là video đầu tiên ghi hình toàn bộ vệ tinh với Trái Đất làm nền ở độ phân giải cao như vậy, theo NanoAvionics.

Việc lựa chọn rạn san hô làm nền không phải ngẫu nhiên. "Chúng tôi muốn nhấn mạnh tính chất dễ tổn thương của hành tinh xanh và tầm quan trọng của việc quan sát Trái Đất bằng vệ tinh, đặc biệt là quan sát sự thay đổi về môi trường và khí hậu", Vytenis Buzas, đồng sáng lập kiêm CEO của NanoAvionics, cho biết.

Rạn san hô Great Barrier là cấu trúc lớn nhất hành tinh do các sinh vật sống tạo thành, trải rộng khoảng 344.400km2, theo Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA. Năm 2016, cơ quan này nghiên cứu Great Barrier theo nhiệm vụ "CORAL trên không" nhằm cung cấp một bộ dữ liệu toàn diện hơn về những thiệt hại mà san hô đang hứng chịu.


Vệ tinh MP42 quay video selfie phía trên rạn san hô Great Barrier.

Các rạn san hô trên khắp thế giới, bao gồm cả Great Barrier, đều đang có dấu hiệu suy giảm trong bối cảnh Trái đất ấm lên do tác động của con người. Các rạn san hô đang "xuống cấp với tốc độ đáng báo động", JPL nhận xét.

Ngoài lý do liên quan đến môi trường, video selfie của NanoAvionics cũng mang lại những lợi ích về mặt kỹ thuật. Trong quá trình quay, camera của MP42 đã kiểm tra và xác minh các hoạt động của một bộ kiểm soát dùng để xử lý một số dữ liệu trong không gian trước khi gửi xuống Trái đất. Quá trình này giúp tiết kiệm thời gian khi đánh giá những khu vực thay đổi nhanh chóng trên thế giới.

MP42 phóng lên quỹ đạo cùng khoảng 40 vệ tinh nhỏ khác bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX ngày 1/4, trong nhiệm vụ mang tên Transporter-4. NanoAvionics dự đoán, những thước phim của vệ tinh, bao gồm cả phát sóng trực tiếp và được ghi lại, sẽ có nhiều công dụng hơn trong tương lai, ví dụ như xác nhận hoạt động, phát hiện lỗi, đánh giá tác động của thiên thạch nhỏ và dùng cho mục đích giáo dục.

Cập nhật: 02/07/2022 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video