Vệ tinh Landsat 8 chụp ảnh công viên năng lượng mặt trời rộng hơn 5.700 ha trên sa mạc Thar, nơi có tổng công suất 2.245 MW.
Với nhiệt độ cao, đất cằn cỗi, nguồn nước hạn chế và gió bão thường xuyên, thị trấn Phalodi trên sa mạc Thar của Ấn Độ là một nơi vô cùng khắc nghiệt để sinh sống. Tuy nhiên, sự dồi dào về không gian mở và ánh nắng lại giúp khu vực xa xôi ở miền tây bang Rajasthan này trở thành nơi lý tưởng để thu năng lượng mặt trời.
Một phần Công viên Năng lượng mặt trời Bhadla trong ảnh chụp hôm 26/1 của vệ tinh Landsat 8. (Ảnh: NASA Earth Observatory/Lauren Dauphin)
Công viên Năng lượng mặt trời Bhadla bắt đầu xuất hiện trong ảnh vệ tinh từ năm 2015. Giờ đây, hàng triệu tấm pin mặt trời bao phủ Phalodi, mang lại ánh kim loại cho cảnh quan từng chỉ có màu nâu và cát. Ảnh chụp với màu sắc tự nhiên của vệ tinh Landsat 8 hôm 26/1 cho thấy quy mô của Công viên Năng lượng mặt trời Bhadla nhìn từ không gian.
Công viên Năng lượng mặt trời Bhadla rộng hơn 5.700 ha, bằng khoảng 1/3 diện tích của Washington D.C. Công trình có tổng công suất 2.245 MW và là một trong số những công viên năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Việc xây dựng nơi này gần đây đã giúp Rajasthan vượt qua Karnataka, trở thành bang có công suất năng lượng mặt trời được lắp đặt lớn nhất Ấn Độ.
Bầu trời quang đãng của sa mạc Thar mang đến lượng ánh nắng dồi dào, nhưng những cơn bão bụi thường xuyên xuất hiện lại gây ra thách thức về mặt kỹ thuật. Chúng phủ nhiều lớp khoáng vật và cát lên các tấm pin mặt trời, cản trở quá trình sản xuất điện.
Một số nhà vận hành lựa chọn triển khai hàng nghìn robot lau dọn trên các tấm pin, một chiến lược nhằm giảm nhu cầu về người lao động và giảm lượng nước cần thiết để làm sạch. Theo một số nghiên cứu mới, ảnh vệ tinh cũng có thể hỗ trợ cho công việc này bằng cách giúp các công ty xác định lượng bụi tích tụ và tối ưu hóa hoạt động lau dọn.