Vệ tinh "Made in Vietnam" huỷ phóng lần hai

Lịch dự kiến vệ tinh NanoDragon của Việt Nam sẽ bay vào vũ trụ cùng với 8 vệ tinh khác của Nhật Bản sáng nay 7/10 nhưng đã huỷ do thời tiết.

Thời gian phóng dự kiến lúc 9h51, giờ địa phương (7h51 giờ Hà Nội) tại bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima (Nhật Bản).

Lịch phóng này được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) lùi lại so với dự kiến ban đầu 6 ngày do hệ thống báo dừng khẩn cấp hôm 1/10. Lý do là hệ thống radar mặt đất theo dõi hành trình vệ tinh phát hiện lỗi nhỏ. Nguyên nhân được xác định do cáp nối hệ thống bị lỏng. Điều này có thể dẫn đến dữ liệu cung cấp sau khi vệ tinh phóng không chính xác. Các lỗi này đã kiểm tra kỹ để chuẩn bị phóng vào ngày hôm nay.

Theo JAXA, mục tiêu phóng tên lửa lần này là tăng cường tính cạnh tranh trong ngành công nghiệp vũ trụ, tăng tỷ trọng doanh nghiệp dân doanh trong ngành công nghiệp vũ trụ với các ngành nghề mới như du lịch vũ trụ.

"Lịch làm việc của lần này rất khẩn trương và chính xác, chúng tôi thực sự hồi hộp để có thể hoàn thành nhiệm vụ lần này", đại diện JAXA cho biết.

Tuy nhiên chỉ trước thời điểm phóng lần thứ hai 25 phút, JAXA thông báo hoãn phóng "vì lý do thời tiết", gió ở tầng khí quyển lớn, ngược chiều tên lửa.

Theo kế hoạch, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam sẽ phóng cùng 8 vệ tinh khác của Nhật Bản trong chương trình "Trình diễn công nghệ vệ tinh sáng tạo 2" - Innovative Satellite Technology Demonstration-2".

Trong số này có:

  • Một vệ tinh nhỏ:RAISE-2 (110kg) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản; 4 vệ tinh lớp micro: HIBARI (55 kg), Z-Sat (46 kg), DRUMS (62 kg),TeikyoSat-4 (52 kg).
  • Bốn vệ tinh lớp cubesat: NanoDragon (3,8 kg) của Việt Nam, ASTERISC (4kg) của Viện Công nghệ Chiba, ARICA (1kg) của Trường Đại học Aoyama Gakuin, KOSEN-1 (3kg) của Trường cao đẳng quốc gia Kochi.


Vệ tinh NanoDragon được kiểm tra hệ thống trong buổi bàn giao tại Nhật Bản hôm 17/8. (Ảnh: JAXA)

NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng khoảng 4 kg, có kích thước 3U (100x100x340,5mm), được các kỹ sư VNSC thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát triển.

Quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, bởi các cán bộ nghiên cứu của VNSC. Toàn bộ cấu trúc cơ khí và mạch phân phối nguồn và một số mạch phụ trợ khác của vệ tinh cũng được tự chế tạo tại Việt Nam.

Vệ tinh này được gửi sang Nhật Bản, bàn giao hôm 17/8 để chuyển đến bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima, kiểm tra các khâu cuối cùng, sẵn sàng vào bệ phóng.


Chuyên gia Nhật Bản kiểm tra vệ tinh NanoDragon khi nhận bàn giao hôm 17/8. (Ảnh: JAXA)

Vệ tinh NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.

Vệ tinh NanoDragon cũng được thiết kế để xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển, xác định tư thế vệ tinh và một máy tính tiên tiến mới được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ nhỏ. Vệ tinh NanoDragon dự kiến hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560 km.

NanoDragon được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo 100% tại Việt Nam. Sản phẩm nằm trong lộ trình phát triển Vệ tinh nhỏ "Made in Vietnam" của VNSC, theo "Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030" Thủ tướng phê duyệt ngày 4/2/2021.

Trước đó vào năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1 kg) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo cũng được phóng, hoạt động tương đối ổn định trong khoảng 3 tháng và liên tục phát tín hiệu quảng bá với bản tin "PicoDragon VietNam" đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới.

Năm 2019 vệ tinh MicroDragon (50 kg) - một sản phẩm nằm trong Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, thành phần của Dự án "Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất" (viết tắt là Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam) được phát triển bởi 36 học viên, là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng đã phóng lên quỹ đạo thành công, đang hoạt động theo đúng mục tiêu đề ra.

Cập nhật: 07/10/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video