Vệ tinh "nhìn" xuyên thấu công trình được phóng lên không gian

Nhờ công nghệ radar SAR, vệ tinh Capella 2 có khả năng chụp ảnh bên trong một số công trình đơn giản.

Capella 2, một vệ tinh có khả năng chụp ảnh radar với độ phân giải kinh ngạc đã được công ty Capella Space phóng vào không gian cách đây vài tháng.

Theo Futurism, công nghệ thu thập hình ảnh trên Capella 2 có khả năng “nhìn” xuyên thấu một số công trình. Tuy nhiên, đại diện công ty cho biết vệ tinh này chỉ có thể quan sát được bên trong những công trình có cấu trúc đơn giản và sẽ không phát huy tác dụng đối với những công trình phức tạp như nhà cao tầng hay nhà dân.


Người dùng sẽ có cảm giác nhìn xuyên qua nhà cao tầng. Tuy nhiên, công ty xác nhận đây chỉ là sự biến dạng của hình ảnh chứ không hiển thị cấu trúc bên trong. (Ảnh: Capella Space).

Hôm 16/12, Capella Space ra mắt nền tảng có khả năng cung cấp cho khách hàng tư nhân hoặc chính phủ hình ảnh từ bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Ngoài ra, công ty dự định sẽ phóng thêm 6 vệ tinh nữa vào năm 2021.

Không giống phần lớn vệ tinh đang bay quanh Trái đất, Capella 2 có khả năng chụp một bức ảnh rõ nét bất kể ngày hay đêm, dù mưa hay nắng. Theo Payam Banazadeh, Giám đốc điều hành Capella Space, công nghệ thu thập hình ảnh mới của Capella 2 sẽ khắc phục nhiều điểm hạn chế trên các vệ tinh hiện nay.

“50% bề mặt của Trái đất là bóng tối, trung bình một nửa bầu trời có mây. Kết hợp 2 yếu tố đó, khoảng 75% khả năng bầu trời Trái đất có mây, thiếu ánh sáng hoặc đôi khi cả hai trường hợp”, CEO công ty cho biết phần lớn công nghệ mà các nhà khoa học sử dụng để quan sát Trái đất là cảm biến hình ảnh quang học. Trong điều kiện trời nhiều mây, vệ tinh khó có thể ghi lại hình ảnh với tầm nhìn và ánh sáng tốt.

Thay vì chụp hình ảnh quang học, Capella 2 sử dụng radar khẩu độ tổng hợp, hay còn gọi là SAR. Công nghệ SAR hoạt động thông qua quá trình định vị bằng tiếng vang, tương tự như cách cá heo và dơi định hướng. Vệ tinh sẽ chiếu tín hiệu vô tuyến 9,65 GHz xuống mục tiêu, thu thập và giải mã dữ liệu khi sóng vô tuyến phản hồi trở lại.

“Ở tần số đó, các đám mây sẽ trở nên trong suốt. Bạn có thể chiếu tín hiệu xuyên qua mây mù, hơi ẩm hoặc khói. Công nghệ này giống một chiếc đèn pin, chiếu xuyên qua không gian bất kể ngày hay đêm”, Banazadeh chia sẻ.

Tuy không phát minh ra SAR, Banazadeh cho biết Capella là công ty Mỹ đầu tiên cung cấp công nghệ này, đồng thời là công ty đầu tiên trên thế giới ra mắt nền tảng giúp mọi khách hàng tiềm năng có thể tiếp cận.

Bên cạnh đó, Capella 2 cung cấp hình ảnh có độ phân giải lên đến 50 cm x 50 cm/pixel, đem đến sự khác biệt lớn so với các vệ tinh khác trên thị trường, vốn chỉ có độ phân giải hiển thị khoảng 5 m x 5 m/pixel.

Miễn công ty không cải thiện độ phân giải vượt quá những quy định của luật pháp Mỹ, Banazadeh cho biết công ty có thể chụp lại hình ảnh của bất kỳ khu vực nào trên thế giới mà khách hàng yêu cầu.


Capella 2 có thể chụp xuyên qua lớp mái của nhà chứa máy bay. (Ảnh: Capella Space).

Những khách hàng của Capella Space có thể là các cơ quan chính phủ có nhiệm vụ theo dõi quân đội thù địch hoặc hoạt động tại sân bay. Cũng có thể là các nhà khoa học theo dõi nạn phá rừng hay những nhà đầu tư đang kiểm tra chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thậm chí, nếu tập trung 2 hay nhiều vệ tinh lên cùng một mục tiêu, công nghệ SAR có thể tạo nên hình ảnh 3 chiều với độ biến động theo từng phút. Banazadeh cho biết kỹ thuật này đã được ứng dụng để đo lượng dầu lưu trữ trong các bồn chứa dầu lộ thiên hoặc lượng dầu đang được khai thác từ một mỏ lộ thiên. Bên cạnh đó, SAR có thể giúp các cơ quan chức năng theo dõi mức độ lún của mặt đất phía trên đường hầm theo thời gian.

Cập nhật: 22/12/2020 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video