Vì sao bệnh nhân Covid-19 nặng được lật sấp?

Người nhiễm nCoV suy hô hấp cấp tính, nếu được nằm sấp, sẽ giảm áp lực lên phổi và giúp oxy đi vào cơ thể dễ dàng hơn.

Ngày 11/4, bác sĩ Mangala Narasimhan, giám đốc về chăm sóc tích cực tại Dịch vụ Sức khỏe Northwell Health, nhận được cuộc gọi khẩn cấp. Một bệnh nhân nCoV 40 tuổi đang ở trong tình trạng nguy kịch. Đồng nghiệp muốn cô có mặt ở khu hồi sức tích cực (ICU) của Bệnh viện Do Thái Long Island để quyết định người này có cần làm các thủ thuật khẩn cấp hay không.

Trước khi lên đường, bác sĩ Narasimhan đề nghị nhân viên y tế lập úp bệnh nhân lại như một giải pháp tạm thời. Ngay sau đó, đồng nghiệp thông báo cô không cần phải đến ICU nữa. Biện pháp đã có tác dụng.

Kể từ khi số người nhập viện vì Covid-19 gia tăng nhanh chóng, các bác sĩ đã phát hiện đặt bệnh nhân nằm sấp giúp tăng lượng oxy vào phổi. Tiến sĩ Narasimhan khẳng định: "Chắc chắn chúng tôi đã cứu được nhiều mạng sống bằng cách này. Đây là một biện pháp đơn giản, tạo ra sự khác biệt rõ rệt".    

"Chúng tôi ghi nhận điều này trên từng bệnh nhân. Nó được áp dụng với nhiều người hơn và cho hiệu quả gần như ngay lập tức", tiến sĩ Kathryn Hibbert, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực tại Bệnh viện Massachusetts cũng đồng tình với quan điểm này.

Trên thực tế, bệnh nhân nhiễm nCoV thường chết vì hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS). Đây cũng là nguyên nhân tử vong của người mắc cúm, viêm phổi và một số loại bệnh khác.


Bệnh nhân thở máy tại bệnh viện Germans Trias i Pujol được đặt nằm sấp để giảm áp lực lên phổi. (Ảnh: AP).

Năm 2013, các chuyên gia Pháp đã công bố một nghiên cứu trên Tạp chí Y học New England, cho thấy người bệnh suy hô hấp cấp tính và phải thở máy có tỷ lệ tử vong thấp hơn nếu được đặt nằm sấp. Kể từ đó, tùy theo mức độ triệu chứng, các bác sĩ ở Mỹ bắt đầu lật úp bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp.

Cách này được áp dụng hiệu quả trong đại dịch năm nay. Trong trường hợp tại Bệnh viện Do Thái Long Island, người đàn ông sau khi đặt nằm sấp có tiến triển rõ rệt. Tốc độ bão hòa oxy, chỉ số oxy máu tăng từ mức 85% lên 98%.

Thông thường, một bệnh nhân thở máy được nằm sấp khoảng 16 giờ mỗi ngày, nằm ngửa trong thời gian còn lại để bác sĩ tiến hành các thủ thuật chăm sóc cần thiết. Các chuyên gia cho rằng lật úp giúp giảm áp lực lên phổi, cho phép oxy đi vào cơ thể dễ dàng hơn.

Tại Bệnh viện Massachusetts, khoảng một phần ba số bệnh nhân Covid-19 thở máy được điều trị bằng cách thức này, thường là các ca nặng nhất. Đối với những người có triệu chứng nhẹ hơn, nằm bên ngoài ICU, đội ngũ bác sĩ cũng khuyến khích tự nằm sấp. Tuy nhiên thời gian rút ngắn xuống còn 4 giờ một ngày, bởi lật úp suốt 16 tiếng mà không sử dụng thuốc an thần là điều khó khăn.

"Hầu như họ đều sẵn sàng thử. Tuy nhiên thời gian của mỗi người khác nhau. Một số cảm thấy thoải mái và có thể ngủ luôn ở tư thế đó, số khác thấy mỏi hoặc chán và muốn trở mình", tiến sĩ Hibbert nói.

Tuy nhiên phương pháp này có một số hạn chế nhất định. Bệnh nhân thở máy khi nằm sấp phải dùng một lượng thuốc an thần lớn hơn, đồng nghĩa với việc ở lại ICU lâu hơn.

Nghiên cứu năm 2013 của Pháp cũng chỉ thực hiện trên bệnh nhân nặng. Vì vậy chưa rõ ảnh hưởng của tư thế nằm đối với các trường hợp nhẹ và trung bình ra sao.

Trung tâm Y tế Đại học Rush đang tiến hành một số thử nghiệm để giải đáp câu hỏi này. Tại đây, bệnh nhân được chỉ định ngẫu nhiên nằm sấp hoặc nằm ngửa. Các nhà khoa học sẽ xem xét liệu phương pháp có hiệu quả hay không.

Cập nhật: 17/04/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video