Các nhà khoa học cho rằng sự giằng co giữa hai vùng từ trường bên dưới Canada và Siberia là nguyên nhân khiến cực từ trường phía bắc của Trái đất xê dịch.
Nhóm nghiên cứu ở Đại học Leeds phát hiện vị trí cực từ trường phía bắc của Trái đất được kiểm soát bởi hai vùng từ trường, một ở dưới Canada và một ở dưới Siberia. Chúng tạo ra hiệu ứng giằng co quyết định vị trí của cực từ, theo tiến sĩ Phil Livermore, trưởng nhóm nghiên cứu.
Cực từ trường phía bắc của Trái đất đang dịch chuyển từ Canada đến Siberia. (Ảnh: Science Alert).
"Trong lịch sử, vùng từ trường ở dưới Canada giành phần thắng và đó là lý do từ trường tập trung ở Canada. Nhưng vài thập kỷ qua, vùng này yếu đi và vùng từ trường ở dưới Siberia mạnh dần lên", tiến sĩ Livermore cho biết. "Điều đó giải thích tại sao cực từ đột nhiên tăng tốc di chuyển ra xa khỏi vị trí quen thuộc".
Các nhà nghiên cứu lý giải độ mạnh thay đổi của hai vùng từ trường là do những thay đổi ở dòng vật liệu nóng chảy trong lòng Trái đất. Tiến sĩ Livermore và cộng sự cũng tìm cách lập mô hình đường di chuyển cực từ phía bắc bằng dữ liệu từ vệ tinh chuyên đo sự thay đổi hình dáng của từ trường Trái đất trong 20 năm qua. Mô hình mới nhất của họ chỉ ra cực từ trường phía bắc sẽ tiếp tục di chuyển về phía Nga trước khi bắt đầu chậm lại. Nhưng các nhà nghiên cứu chưa rõ lần này nó có di chuyển lại về phía Canada hay không.
Trong những năm gần đây, cực từ trường phía bắc dịch chuyển nhiều đến mức Trung tâm dữ liệu địa vật lý quốc gia Mỹ và Cục khảo sát địa chất Anh phải cập nhật sớm mô hình từ tính thế giới (World Magnetic Model) năm 2019. Mô hình đại diện cho từ trường Trái đất được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống và thiết bị định vị như điện thoại để khắc phục lỗi trên la bàn. Tiến sĩ Livermore và cộng sự công bố kết quả nghiên cứu hôm 5/5 trên tạp chí Nature Geoscience.