Dầu ô liu nguyên chất tốt hơn hầu hết các loại dầu thực vật và hỗn hợp dầu thực vật, do chứa nhiều chất dinh dưỡng.
Dầu ô liu và dầu thực vật được sử dụng phổ biến trên khắp thế giới, chúng được dùng để chiên rán đồ ăn, làm nước sốt và giúp các sợi mì Ý không kết dính vào nhau. Nhưng loại nào tốt hơn?
Dầu ô liu được chiết xuất từ quả ô liu, loại cây truyền thống của vùng Địa Trung Hải. Loại dầu này chứa 14% chất béo bão hòa, 73% chất béo không bão hòa đơn, là sản phẩm lành mạnh nhất trong các loại dầu dùng để chế biến. Một thìa dầu ô liu chứa 120 calo.
Dầu thực vật chế biến từ hạt cải, hướng dương, đậu tương, ngô, dừa, cọ, mè... Để có hỗn hợp dầu thực vật, người chế biến phải làm sạch bằng hóa chất, đun nóng để loại bỏ tạp chất nhằm kéo dài thời gian sử dụng. Thành phẩm dầu thực vật trải qua nhiều quá trình xử lý, khiến hàm lượng dinh dưỡng thấp và không có mùi vị đặc trưng như dầu ô liu.
Dầu ô liu có hàm lượng dinh dưỡng nhiều hơn dầu thực vật. (Ảnh minh họa: Healthline)
Theo các chuyên gia, dầu ô liu chứa các hợp chất chống viêm như tocopherols, carotenoid, polyphenol có lợi cho sức khỏe tim mạch và duy trì một số vi chất dinh dưỡng như vitamin E, K. Trong khi dầu thực vật chủ yếu chứa chất béo không bão hòa đa Omega-6 - chất có thể gây viêm và gây hại cho sức khỏe tim mạch nếu ăn quá mức, theo nghiên cứu trên Thư viện Y học quốc gia Mỹ, Viện Y tế Quốc gia Mỹ năm 2015.
Ngoài ra, việc tinh chế dầu thực vật qua nhiều bước dễ dàng phá hủy các vi chất dinh dưỡng, chất chống oxy hóa và các hợp chất thực vật có lợi, bao gồm tocopherols, phytosterol, polyphenol và coenzyme Q.
Với những lý do trên, các chuyên gia sức khỏe khuyên người dùng nên sử dụng dầu ô liu nguyên chất thay các sản phẩm dầu thực vật thông thường.
Tuy nhiên, dầu ô liu có điểm bốc hơi tương đối thấp, không lý tưởng để chế biến các món ăn cần nhiệt độ cao như áp chảo và xào. Ngoài ra một số người không thích hương vị đặc trưng của dầu ô liu trong món ăn hoặc giá thành quá cao, khiến họ chuyển sang sử dụng dầu thực vật.