Mọi người có sở thích, sở trường, sở đoản khác nhau tạo nên tính cách của riêng mình, tạo nên mỗi người là duy nhất, không giống ai. Mỗi người một khác không ai giống ai khiến cho cuộc sống trở nên thú vị, và đôi khi cũng khó khăn hơn. Nhưng tính cách do đâu mà hình thành và vì sao mọi người lại khác nhau?
Trong 25 năm qua, các nhà tâm lý học đã phát hiện ra tính cách được tạo thành từ năm yếu tố cơ bản: tính dễ chịu, sự tận tâm, sự nhạy cảm, sự hướng ngoại và tính sẵn sàng trải nghiệm. Mỗi người mang các đặc điểm này ở các mức độ khác nhau tạo nên sự riêng biệt không giống người khác.
Trái với nhận thức thông thường, mọi người không bị gói gọn vào những dạng tính cách cụ thể nào cả. Thông thường, không ai là hoàn toàn hướng ngoại hoặc hướng nội, hay hoàn toàn ngăn nắp, quái đản hoặc thô lỗ. Chỉ có một số ít người cực kì thiên về một dạng tính cách nào đó, còn phần lớn mọi người đều mang đủ mọi tính cách trong mình.
Tính cách của con người và con vật luôn luôn tồn tại, tiếp diễn từ đời này sang đời khác.
Theo ông Christopher Soto – nhà tâm lý học của Trường cao đẳng nghệ thuật Colby, Maine, Mỹ - thì nghiên cứu cho thấy con người sinh ra không hoàn toàn nằm trong các dạng tính cách nhất định nào cả. Cũng tương tự như đặc điểm kích thước cơ thể, có người thì có tầm vóc rất cao, có người rất thấp, số đông còn lại là trung bình.
Cũng không phải chỉ con người mới có tính cách. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các loài động vật khác, từ kiến cho đến vượn người đều có tính cách, xét theo 5 yếu tố cơ bản hình thành nên tính cách. Vạn vật đều có tính cách bắt nguồn từ sự tiến hóa.
Nhà tâm lý học Frank Sulloway của Trường đại học California, Berkeley, Mỹ, cho biết con người và con vật đều gặp các vấn đề về sinh tồn. Những vấn đề chung này được cụ thể hóa bằng năm yếu tố cơ bản hình thành nên tính cách, và những vấn đề này cũng giải thích vì sao tính cách của con người và con vật luôn luôn tồn tại, tiếp diễn từ đời này sang đời khác.
Ví dụ sự tận tâm được thể hiện bằng những hành vi như là có kế hoạch và cân nhắc kĩ lưỡng. Những hành vi này rất quan trọng đối với động vật linh trưởng và các loài có vú khác trong việc chăm sóc con cái, lựa chọn bạn đời và sống thành bầy đàn. Nét tính cách gọn gàng, ngăn nắp là một khía cạnh của sự tận tâm và cũng có những lợi ích về mặt tiến hóa: nhện dệt cầu chịu khó tạo ra những tấm mạng li ti thì bắt được nhiều con mồi hơn; chim sẻ làm tổ gọn gàng, ngụy trang tốt thì thu hút được nhiều bạn tình hơn; những con ong biết giữ vệ sinh tốt bằng cách vứt bỏ những thành viên trong đàn đã bị chết ra khỏi tổ thì sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh, cơ thể to lớn hơn và sinh sản tốt hơn.
Một vài trong số những hành vi này có thể là rất nguyên thủy, bản năng, nhưng đấy chính là những biểu hiện của tính cách. Nhà tâm lý học Sulloway nói rằng xét theo nghĩa rộng nhất thì tính cách là sự thể hiện của tất cả những hành vi mà chúng ta và những loài vật khác thực hiện để chúng ta có thể hoạt động phù hợp với thế giới này.
Sự tiến hóa cũng có thể giải thích vì sao tính cách lại thay đổi nhiều đến vậy. Tùy vào tình hình, mỗi yếu tố trong 5 yếu tố cơ bản sẽ trở nên nổi trội và trở thành ưu điểm. Ví dụ sự hài lòng là rất cần thiết để có được các mối quan hệ. Nhưng nếu một con hổ đang định tấn công bạn thì tốt hơn là bạn nên giảm bớt sự hài lòng, bớt thỏa hiệp mà hãy năng nổ, hung hăng hơn.
Bởi vì thế giới này vô cùng khó đoán trước nên mọi mặt của từng nét tính cách đều có ích ở một thời điểm nào đó. Vì thế, thay vì phát triển và tiến hóa theo một dạng tính cách đơn lẻ, chúng ta được thế giới tự nhiên ban cho rất nhiều lựa chọn, nhiều đặc điểm tính cách khác nhau. Ông Sulloway nói rằng không có giải pháp duy nhất nào cho tính cách và hành vi mà bạn nên thể hiện (thay vào đó hãy giữ cho mình có hành vi và tính cách phù hợp với từng môi trường mà bạn gặp phải).
Nguồn gốc của tính cách chính là sự kế thừa các nét tính cách. Vì thế, cho dù bạn muốn chấp nhận hay không thì phần lớn tính cách của bạn được di truyền từ bố mẹ. Trên thực tế, đối với con người, khoảng một nửa tính cách của bạn do gen quy định. Phần còn lại là do môi trường sống, như là những trải nghiệm trong đời và bạn là con thứ mấy trong gia đình. (Con cả thường tự tin, quyết đoán, con thứ thường vui tính hơn; đứa em thường dùng sự hài hước để làm “suy yếu” quyền lực của anh, chị áp lên chúng – nhà tâm lý học Sulloway giải thích).
Bên cạnh yếu tố môi trường tác động để hình thành nên tính cách của bạn, bản thân bạn trong một mức độ nào đó cũng có thể điều chỉnh tính cách của mình theo hoàn cảnh. Bạn có thể cởi mở, hướng ngoại hơn khi tham gia một bữa tiệc và dễ tính hơn khi ở nhà với gia đình, nhưng khi cần tập trung cho công việc, bạn cũng có thể hướng nội và khi chơi thể thao thì bạn nên quyết liệt. Không một nét tính cách hay một hành vi nào là duy nhất phù hợp với bạn để bạn thể hiện trong cả 24 giờ mỗi ngày. Suy cho cùng, con người vẫn đang tiến hóa để học hỏi từ môi trường sống xung quanh.
Qua thời gian, tính cách có thể thay đổi.
Như vậy cũng có thể nói qua thời gian, tính cách có thể thay đổi. Gene di truyền cho chúng ta một khởi điểm tính cách và đi cùng chúng ta suốt cuộc đời, nhưng càng nhiều tuổi chúng ta càng có thêm nhiều trải nghiệm và thêm nhiều cơ hội để có thể rời xa khỏi điểm khởi đầu mà gen mang đến.
Khi trẻ nhỏ trở thành thiếu niên, chúng trải qua một bước hụt tạm thời về yếu tố “sự dễ chịu” và “tính tận tâm”, ví dụ như ở giai đoạn này, chúng khó bảo hơn và lười biếng hơn. Nhưng nghiên cứu cũng cho thấy khi người lớn chuyển từ giai đoạn người trưởng thành sang người ở tuổi trung niên thì những trách nhiệm và khổ đau của cuộc sống – trách nhiệm nhiều hơn, các mối quan hệ cá nhân cũng nhiều hơn,... – khiến cho họ trở nên dễ tính hơn, biết bỏ qua và hài lòng hơn, tận tâm cẩn thận hơn, vững vàng về cảm xúc hơn và đỡ bức xúc hơn.
Theo một nghiên cứu vào năm 2015 và đã được công bố trên Tạp chí Tính cách và Tâm lý xã hội (Mỹ), thậm chí bạn còn có thể thay đổi tính cách để phục vụ một mục đích nào đó của mình. Như vậy tính cách có thể tạo nên bạn là chính bạn không giống ai ngày hôm nay, nhưng ngày mai bạn vẫn có thể mang một tính cách khác.