Vì sao người nhiễm Covid-19 tử vong vì rối loạn đông máu?

Nhiều bằng chứng cho thấy, những bệnh nhân Covid-19 nặng có khả năng mắc hội chứng rối loạn đông máu. Hiện tượng này được cho là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Nhiều bệnh nhân bị rối loạn đông máu

Đông máu ở người mắc Covid-19 biểu hiện khá đa dạng, từ tổn thương da lành tính ở bàn chân, đến tắc nghẽn mạch máu, đôi khi là đột quỵ, nguy hiểm đến tính mạng. Cục máu đông có thể xuất hiện vài ngày hoặc vài tháng sau khi các triệu chứng hô hấp của bệnh nhân đã chấm dứt.

Ngày 21/4, người đứng đầu Ủy ban về bảo vệ sức khỏe của Hạ viện Nga - ông Dmitry Morozov cho biết, một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh nhân Covid-19 là hiện tượng phát triển hội chứng DIC (đông máu nội mạch lan tỏa, rối loạn đông máu tiêu thụ, hội chứng huyết khối tắc mạch).


Một số bệnh viện trên thế giới cho người mắc Covid-19 sử dụng thuốc làm loãng máu.

Theo ông Morozov, đây là một trong những biến chứng phức tạp của Covid-19, vì vậy điều quan trọng là phải cấp tốc thay đổi các hướng dẫn lâm sàng trong việc điều trị bệnh.

Ông James Levy - Trưởng khoa Chăm sóc tích cực tại Trường Y Warren Albert, Đại học Brown, thành phố Providence (Mỹ) nhận định, đây là vấn đề y tế quan trọng nhất liên quan đến đại dịch trong khoảng thời gian qua.

Trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, các bác sĩ cũng ghi nhận cục máu đông có thể gây tử vong trong cơ thể bệnh nhân. Virus gây bệnh HIV, Ebola đều khiến các tế bào máu dễ vón cục. Tuy nhiên, biểu hiện ở người mắc Covid-19 được cho là rõ rệt hơn.

Giáo sư Levy cho rằng, một số đặc tính của virus SARS-CoV-2 đã khiến chứng đông máu phát triển đến mức nghiêm trọng. Trong khi đó, theo Margaret Pisani - PGS y khoa tại Đại học Y Yale, rối loạn đông máu có thể là nguyên nhân khiến người bệnh có sức khỏe bình thường đột ngột chuyển nặng khi mắc Covid-19.

Ông Edwin Van Beek - Chủ nhiệm khoa X-quang lâm sàng tại Viện Nghiên cứu Y khoa, Đại học Edinburgh (Anh), cho biết nghiên cứu tại Pháp và Hà Lan cho thấy, 30% bệnh nhân Covid-19 nặng bị tắc phổi do cục máu đông từ hệ tĩnh mạch chi dưới. Nếu không được điều trị, biến chứng có thể gây ra ngừng tim.

Ông Van Beek cho biết, những bệnh nhân hồi phục khỏi Covid-19 thường bị khó thở, đặc biệt là khi vận động mạnh. Điều này có thể bị nhầm tưởng với tái phát bệnh, nhưng thực chất chỉ là hệ quả của chứng đông máu.

Nguy hiểm chết người

Theo Harlan Krumholz - một chuyên gia tim mạch tại Trung tâm Bệnh viện Yale-New Haven (Mỹ), không ai biết liệu biến chứng này có phải là kết quả của một cuộc tấn công trực tiếp vào các mạch máu, hoặc phản ứng viêm quá mức đối với virus do hệ thống miễn dịch của bệnh nhân hay không.

"Lý thuyết là, một khi tham gia vào cuộc chiến chống lại kẻ tấn công, cơ thể bắt đầu tàn phá các yếu tố đông máu, có thể dẫn đến đông hoặc chảy máu", ông Krumholz cho hay.

Một nghiên cứu được công bố trên JAMA mới đây cho thấy, nhiều bệnh nhân Covid-19 tại bang New York có các vấn đề đông máu. Trước đó, một nghiên cứu của Hà Lan được công bố trên tạp chí Thrombosis Research đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy vấn đề này. Theo đó, có 38% trong số 184 bệnh nhân Covid-19 tại một đơn vị chăm sóc đặc biệt bị đông máu bất thường.

Theo thống kê tại Trung Quốc, có tới hơn 70% trong số 183 bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại nước này có hiện tượng đông máu. Behnood Bikdeli - sinh viên năm thứ 4 tại Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia và là người đã tham gia vào bài báo về hiện tượng máu đông trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ, nhận định: "Mặc dù hội chứng suy hô hấp cấp tính vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh nhân Covid-19, nhưng rối loạn đông máu có thể là một trong ba nguyên nhân chính gây ra sự suy giảm và suy thoái ở bệnh nhân Covid-19".

Những bằng chứng này đã khiến nhiều bệnh viện trên thế giới thay đổi cách nghĩ về dịch bệnh cũng như cách đối phó với Covid-19.

Khi đại dịch lần đầu khởi phát, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho rằng, những người mắc hen suyễn có thể dễ bị nhiễm bệnh nhất. Tuy nhiên, thực tế chứng minh điều ngược lại khi bệnh nhân hen suyễn không nằm trong số đó. Thay vào đó, những người có vấn đề về tim mạch được cho là có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2.

Một số trung tâm y tế trên thế giới bắt đầu cho tất cả bệnh nhân Covid-19 sử dụng liều lượng nhỏ thuốc làm loãng máu như một biện pháp phòng ngừa. Trong khi đó, những bệnh nhân Covid-19 nặng được dùng loại thuốc này với liều lượng cao. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, phương pháp này có thể làm đảo lộn sự cân bằng và khiến bệnh nhân tử vong do bị chảy máu.

Cập nhật: 19/06/2020 Theo GD&TĐ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video