Vì sao nhịp tim nhanh hoặc chậm?

Con người sống được là nhờ nhịp đập của trái tim.

Mỗi lần tim đập, máu đỏ giàu oxy được chuyển đến các bộ phận trong cơ thể như là nguồn cung cấp năng lượng cho các tế bào hoạt động.

Nhịp tim bình thường


 Tần số tim thay đổi từ thai nhi cho đến lúc trưởng thành và ổn định ở đó.

Trái tim của mỗi người là bộ phận hoạt động sớm nhất nhưng ngừng hoạt động cuối cùng. Khi phôi thai hình thành, từ ngày thứ 18 tim đã bắt đầu hoạt động.

Ở người trưởng thành, trọng lượng trung bình của trái tim khoảng 250 - 350 gram. Trọng lượng trái tim của nam giới thường “nặng” hơn nữ giới. Chiều dài của trái tim dao động trong khoảng 10 - 15cm.

Số lần đập của trái tim trong một phút, gọi là tần số. Tần số tim thay đổi từ thai nhi cho đến lúc trưởng thành và ổn định ở đó. Tần số tim trung bình trong các giai đoạn của cuộc đời gồm:

  • Tần số tim của thai nhi: 120 - 160 lần/phút.
  • Tần số tim của trẻ sơ sinh: 130 - 150 lần/phút.
  • Tần số tim của trẻ nhỏ (khoảng 1 tuổi): 80 - 130 lần/phút.
  • Tần số tim của trẻ lớn (khoảng 7 tuổi): 70 - 110 lần/phút.
  • Tần số tim của người trưởng thành: 60 - 80 lần/phút.

Nhìn chung, trẻ càng lớn thì nhịp tim càng giảm bớt, những trẻ hiếu động thì nhịp tim nhanh hơn những trẻ chậm chạp hay ít hoạt động.

Thông thường, nhịp tim gia tăng theo sự hoạt động và vận động. Tuy nhiên, khi nghỉ ngơi nhịp tim sẽ về lại tần số bình thường. Đó là sự thay đổi tần số tim mang tính chất sinh lý.

Tuy nhiên cũng có một số yếu tố gây ảnh hưởng đến nhịp tim, kể cả khi đang nghỉ ngơi:

  • Thời tiết: Khi nhiệt độ không khí hoặc độ ẩm gia tăng, tim sẽ đập nhanh hơn.
  • Cảm xúc: Trạng thái căng thẳng, lo lắng, stress và thậm chí hạnh phúc quá, sung sướng quá nhịp tim cũng gia tăng.
  • Cân nặng: Người có nguy cơ béo phì hoặc béo phì nhịp tim luôn đập nhanh hơn người bình thường.
  • Thuốc điều trị: Một số loại thuốc dùng trị bệnh dài ngày có tác dụng phụ làm tăng nhịp đập của tim hoặc ngược lại, làm giảm tần số của tim. Các bác sĩ điều trị sẽ tư vấn điều này.

Nhịp tim chậm khi tần số tim <60 lần/phút. Tuy nhiên, không phải trường hợp nhịp tim chậm nào cũng là bệnh lý.


 Nhịp tim chậm. (Ảnh minh họa).

Nhiều trường hợp “có được” nhịp tim chậm nhờ quá trình luyện tập như ở các võ sĩ, những người tập yoga, các vận động viên thể dục thể thao và cả ở những người trong gia đình mang yếu tố di truyền với nhịp tim chậm. Tất cả họ đều có một cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.

Bệnh lý nhịp tim chậm xảy ra ở người có nhịp tim chậm đi kèm với các biểu hiện như mệt mỏi, chóng mặt, ngất xỉu. Các nguyên nhân gây nhịp tim chậm bao gồm: Tác dụng phụ của thuốc điều trị (khi ngừng sử dụng, nhịp tim sẽ về lại bình thường), các bệnh gây mất cân bằng điện giải, “trục trặc” hệ thống dẫn truyền thần kinh tim, người cao tuổi quá…

Trên thực tế, một số trường hợp bệnh nhịp tim chậm, nhưng không chậm quá thì chỉ cần được theo dõi mà không điều trị gì. Người bệnh được khuyên đi khám chuyên khoa định kỳ hoặc bất cứ lúc nào xuất hiện các dấu hiệu liên quan đến bệnh.

Những trường hợp nhịp tim chậm quá, được xem là bệnh có tính chất nguy hiểm nếu không được điều trị có thể sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng với những hậu quả khó lường.

Nhịp tim nhanh

Những người có nhịp tim >80 lần/phút, chỉ được xem là bệnh lý khi tần số đo được >100 lần/phút lúc ở trong trạng thái bình thường.

Các nguyên nhân gây nhịp tim nhanh thường gặp, gồm: Sốt, thiếu máu, nghiện thuốc lá, nghiện rượu, uống nhiều cà phê, nghiện ma túy, bệnh lý tuyến giáp trạng, rối loạn các nút dẫn điều khiển nhịp tim, tác dụng phụ của một số loại thuốc dùng dài ngày…

Nhìn chung, nhịp tim nhanh “tạm thời” liên quan đến một số trạng thái tâm lý của cơ thể như sự lo lắng, căng thẳng, stress hoặc cường độ lao động cao, vận động nhiều.

Tất cả những người, nếu tự nhận thấy nhịp tim tăng đột ngột, nằm mà cứ nghe tiếng tim đập liên hồi như trống trận ra quân, đặc biệt đi kèm với các biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, nôn, ngất xỉu, đau ngực thì cần phải đến bệnh viện khám để xác định bệnh càng sớm càng tốt.

Giới hạn tối đa của nhịp tim: Các chuyên gia sức khỏe về thể dục thể thao đưa ra khái niệm về giới hạn tối đa của nhịp tim để xác định tần số tim đập lý tưởng trong quá trình luyện tập nhằm hạn chế tối đa sự cố quá thành… “quá cố”!

Công thức tính giới hạn tối đa của nhịp tim (X) như sau: X = 220 - số tuổi.

Ví dụ một vận động viên 28 tuổi thì X = (220 - 28) = 192 (lần/phút). Điều này có nghĩa là, vận động viên đó trong quá trình luyện tập nhịp tim có thể đập tối đa đến 192 lần/phút. Nếu vượt quá giới hạn này thì cần phải được xem xét lại, vì sự chịu tải quá sức của trái tim.

Việc xác định giới hạn tối đa của nhịp tim nhằm điều chỉnh các bài luyện tập và mức độ luyện tập. Tuy nhiên, con số tính toán này chỉ mang tính tham khảo, vì nó còn phụ thuộc vào đặc điểm, tình trạng sức khỏe và bệnh lý có thể có của từng cá nhân.

Cập nhật: 07/11/2024 GDTĐ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video