Dân tộc là hình thái đặc thù của một nhóm người, xuất hiện trong quá trình phát triển tự nhiên, xã hội. Vậy khái niệm dân tộc là gì và Việt Nam có bao nhiêu dân tộc?
Tìm hiểu về các dân tộc Việt Nam
Dân tộc là gì?
Dân tộc là cộng đồng chính trị xã hội được hình thành do sự tập hợp của nhiều tộc người có trình độ phát triển kinh tế xã hội khác nhau cùng chung sống trên một lãnh thổ nhất định và được quản lí thống nhất bởi một nhà nước.
Dưới góc độ chủ nghĩa xã hội khoa học, định nghĩa dân tộc được hiểu như sau:
Dân tộc chỉ một cộng đồng người có mối liên hệ chặt chẽ và bền vững, có sinh hoạt kinh tế chung, có ngôn ngữ riêng và những nét văn hóa đặc thù; xuất hiện sau bộ lạc, bộ tộc. Với nghĩa này, dân tộc là một bộ phận của quốc gia – quốc gia nhiều dân tộc
So với bộ tộc thời phong kiến, dân tộc trong thời kì phát triển tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa có lãnh thổ ổn định, tình trạng cát cứ bị xoá bỏ, có nền kinh tế hàng hóa phát triển, thị trường quốc gia hình thành thống nhất.
Các ngữ âm, thổ ngữ bị xoá bỏ, tiếng thủ đô được coi là chuẩn và ngày càng lan rộng ảnh hưởng, sự cách biệt về văn hóa giữa các vùng, miền và giữa các bộ phận của tộc người bị xóa bỏ phần lớn, ý thức về quốc gia được củng cố vững chắc.
Đặc trưng chủ yếu của dân tộc
Có chung một phương thức sinh hoạt kinh tế: Đây là đặc trưng quan trọng nhất của dân tộc, các mối quan hệ kinh tế là cơ sở liên kết các bộ phận, các thành viên của dân tộc, tạo nên nền tảng vững chắc của cộng đồng dân tộc.
Có thể sinh sống tập trung trên một lãnh thổ của một quốc gia hoặc sinh sống đan xen với nhiều dân tộc anh em: Đặc trưng này muốn chỉ vận mệnh dân tộc một phần rất quan trọng gắn với việc xác lập và bảo vệ lãnh thổ đất nước.
Có trang phục truyền thống, ngôn ngữ riêng và có chữ viết riêng (trên cơ sở ngôn ngữ chung của quốc gia) làm công cụ giao tiếp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Dân tộc là một cộng đồng về văn hóa, tâm lý, tính cách…
- Mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Văn hóa dân tộc mang nhiều sắc thái của các địa phương, các sắc tộc, các tập đoàn người song nó vẫn là một nền văn hóa thông nhất không bị chia cắt được hình thành trong quá trình lâu dài của lịch sử.
- Mỗi dân tộc có tâm lý, tính cách riêng, để nhận biết tâm lý, tính cách của mỗi dân tộc phải thông qua sinh hoạt vật chất, sinh hoạt tinh thần của dân tộc đó.
Số lượng các dân tộc ở Việt Nam
Số lượng các dân tộc ở Việt Nam hiện nay là 54 dân tộc anh em. (Ảnh: internet).
Theo thông tin được cập nhật đến tháng 3/2021 trên Cổng thông tin điện tử Ủy ban dân tộc, Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Tổng cục thống kê Việt Nam thì số lượng các dân tộc ở Việt Nam hiện nay là 54 dân tộc anh em.
Cụ thể bao gồm: Kinh, Tày, Thái, Hoa, Khmer, Mường, Nùng, Mông, Dao, Gia Rai, Ngái, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Sán Chay, Cơ Ho, Chăm, Sán Dìu, Hrê, Mnông, Raglay, Xtiêng, Bru Vân Kiều, Thổ, Giáy, Cơ Tu, Gié Triêng, Mạ, Khơ mú, Co, Tà Ôi, Chơ Ro, Kháng, Xinh Mun, Hà Nhì, Chu Ru, Lào, La Chí, La Ha, Phù Lá, La Hủ, Lự, Lô Lô, Chứt, Mảng, Pà Thẻn, Cơ Lao, Cống, Bố Y, Si La, Pu Péo, Brâu, Ơ Đu, Rơ Măm.
Dân tộc Kinh chiếm bao nhiêu dân số Việt Nam?
Dân tộc Kinh chiếm khoảng 85% dân số và 53 dân tộc còn lại chiếm khoảng 15% dân số cả nước.
Dân tộc Kinh sống rải rác ở trên khắp lãnh thổ, nhưng tập trung nhiều nhất ở các đồng bằng và châu thổ các con sông, họ là chủ nhân của nền văn minh lúa nước. Đa số các dân tộc còn lại sinh sống ở miền núi và trung du, trải dài từ Bắc vào Nam; hầu hết trong số họ sống xen kẽ nhau, điển hình là cộng đồng dân tộc thiểu số ở phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Ngôn ngữ: 54 dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam có ngôn ngữ riêng và nền văn hóa truyền thống đặc sắc của mình; 24 dân tộc có chữ viết riêng như tiếng Thái, Mông, Tày, Nùng, Khmer, Gia Rai, Ê-đê, Hoa, Chăm…
Chữ viết của một số dân tộc thiểu số như Thái, Hoa, Khmer, Chăm, Ê-đê, Tày, Nùng, Cơ ho và chữ Lào được sử dụng trong các trường học.
Chính sách bình đẳng giữa các dân tộc ở Việt Nam
- Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
- Hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được hoàn thiện, đáp ứng cơ bản chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong đó có việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các dân tộc thiểu số.
- Người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện tham gia hệ thống chính trị, quản lý xã hội, quản lý nhà nước.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả công dân Việt Nam tróng đó có quyền của các dân tộc thiểu số. Việt Nam không có một bộ luật riêng về dân tộc thiểu số nhưng có riêng một cơ quan ngang bộ phụ trách các vấn đề về dân tộc thiểu số đó là Ủy ban dân tộc.