Viết tay tốt cho bộ não hơn gõ phím

Trong thời đại công nghệ hiện nay, công việc soạn thảo văn bản bất kỳ đã chuyển từ viết tay sang gõ phím vì tốc độ gõ phím luôn nhanh hơn và hiệu quả hơn một cách đáng kể so với cách viết tay. Mặc dù vậy, các nhà khoa học đã chứng minh chính việc ghi chép chậm hơn bằng tay sẽ bộ não có khả năng ghi nhớ thông tin tốt hơn so với việc gõ phím, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến phương thức giáo dục.

Viết tay và gõ phím, cái nào tốt hơn?

Hai nhà tâm lý học là Pam Mueller của Đại học Princeton và Daniel Oppenheimer của Đại học California, Los Angeles đã tiến hành các nghiên cứu và cùng đưa ra kết luận rằng, ghi chép bằng tay sẽ giúp con người xây dựng một bộ nhớ tốt hơn cũng như làm việc, học tập một cách hiệu quả hơn. Trước đó, Oppenheimer từng đưa ra nghiên cứu về tác động tiêu cực của việc sử dụng những chiếc máy tính xách tay để ghi chép trong lớp học. Việc sử dụng máy tính xách tay trong lớp học không chỉ khiến các sinh viên/học sinh lười ghi chép hơn mà còn khiến cho họ bị mất tập trung vào bài học bởi các tác nhân như Internet.

Nghiên cứu của hai nhà khoa học đã được kiểm chứng trong phòng thí nghiệm cũng như ở phòng học thực tế với sự tham gia của 300 sinh viên của cả 2 trường Princeton và đại học California, khi so sánh khả năng học tập của sinh viên ghi chép bằng tay và sử dụng máy tính xách tay. Kết quả thật đáng ngạc nhiên khi chính tốc độ chậm hơn của việc ghi chép bằng tay giúp não bộ ghi nhớ nội dung bài học nhanh hơn. Công trình nghiên cứu của hai nhà nghiên cứu này có thể được hiểu đơn giản như sau: Nếu như các sinh viên tham dự các lớp học được phép sử dụng laptop, họ có thể ghi lại gần như mọi lời mà giáo viên nói ra. Tuy nhiên, quá trình sử dụng laptop để ghi lại bài học này không đòi hỏi bất kỳ một sự tư duy hay ghi nhớ nào đối với não bộ. Chính vì vậy, khi gõ phím để lưu lại bài học, những sinh viên này gần như không tham gia vào việc ghi nhớ thông tin bài học.

Đây là điều đã được khoa học chứng minh. Nếu không có sự liên kết giữa việc ghi lại bìa học và phân tích nội dung thì bộ não gần như sẽ bỏ qua những thông tin mà con người ghi lại, thông thường trong môi trường lớp học thì không ít sinh viên cố gắng ghi chép đầy đủ mọi thông tin mà giáo viên đưa ra. Với sự trợ giúp. của laptop thì việc ghi lại bài giảng trở nên đơn giản vì các sinh viên có thể theo kịp tốc độ giảng bài của giáo viên, nhưng do quá tập trung vào việc "đua tốc độ" giữa việc nghe và ghi, bộ não sẽ không có thời gian để xử lý những thông tin sinh viên nhận được, từ đó dẫn tới hệ quả mặc dù ghi đủ bài nhưng sinh viên không nhớ được gì sau khi buổi học kết thúc. Mặc khác, nếu các sinh viên này phải ghi chép bằng tay thì tất nhiên tốc độ không thể nhanh được vì họ không thể thể ghi lại hết mọi lời mà giáo viên nói ra. Chính vì vậy, bộ não của sinh viên thay vì tập trung vào việc ghi chép nó sẽ giúp sinh viên phân tích những gì họ nghe được, tìm ra những thông tin đáng giá và hiển nhiên là thay vì chép đủ hết mà không nhớ gì thì sinh viên có thể nhớ được hầu hết ý chính mà không cần ghi chép quá nhiều.

Điều này đòi hỏi nỗ lực ghi nhớ hơn là chỉ việc gõ những thông tin đó ra. Và những nỗ lực này sẽ giúp cho bạn có thể ghi nhớ bài học một cách hiệu quả hơn. Mueller và Oppenheimer kết luận rằng: "Đối với sinh viên thì việc ghi chép nguyên văn bài giảng là không tốt bằng việc xử lý thông tin bài giảng đó và sắp xếp lại nó theo cách của họ".

Dù chữ viết tay là một kỹ năng đang dần biến mất và bị thay thế, nhưng những lợi ích của nó đã được ghi nhận bởi rất nhiều nhà tâm lý học giáo dục. Các nhà tâm lý học này đã chỉ ra rằng, chữ viết tay có thể trực tiếp tham gia vào các bộ phận của não - đặc biệt là khu vực gắn với hình thành trí nhớ - mà việc gõ máy tính đã bỏ qua. Đối những đứa trẻ thì ghi chép bằng tay sẽ đem lại nhiều ý tưởng hơn.

Thêm vào đó, nhà tâm lý học Stanislas Dehaene tại trường cao đẳng Paris cho biết viết tay không chỉ giúp trẻ em đọc nhanh hơn mà còn nâng cao tính sáng tạo và giúp ghi nhớ lâu hơn. Nói cách khác, viết là một hoạt động cần thiết trong quá trình học tập của trẻ em. Ông Dehaene khẳng định: "Khi chúng ta viết, một liên kết độc đáo giữa các nơron thần kinh được tự động kích hoạt. Bản chất của cử chỉ viết chính là diễn đạt các thông tin được mô phỏng bên trong não bộ bằng hành động. Đây là 1 mối liên kết mà chúng ta ít để tâm đến nhưng vô hình chung, nó giúp việc học tập trở nên dễ dàng hơn".

Quay ngược trở lại năm 2012, tiến sĩ tâm lý học Karin James của Đại học Indiana đã thực hiện một nghiên cứu những đứa trẻ chưa biết đọc, chưa biết viết và cho chúng xem một số ký tự hoặc vật thể in trên các tấm thẻ để củng cố cho luận điểm của Stanislas Dehaene. Sau đó, Karin James đã yêu cầu những đứa trẻ này thể hiện lại hình ảnh thấy được bằng 1 trong 3 cách: vẽ lại ký tự, vật thể đã thấy trên giấy có chấm hướng dẫn, tự vẽ lại trên giấy trắng hoặc gõ trên máy tính. Tiếp theo, những đứa trẻ sẽ được quét não và ghi lại hình ảnh của não bộ.

Kết quả cho thấy, ở những đứa trẻ dùng giấy trắng hoàn toàn để thể hiện lại các ký tự trong trí nhớ, 3 khu vực trên não bao gồm hồi hình thoi trái, hồi trán dưới và thùy đỉnh có sự tăng cường hoạt động rõ rệt. Đây chính là các vùng não được kích hoạt khi người lớn thực hiện các thao tác đọc và viết. Ngược lại, các vùng não nói trên ở đứa trẻ chỉ tô theo các chấm hướng dẫn có phản ứng yếu hơn. Đối với những đứa trẻ gõ lại những ký tự trên bàn phím máy tính, các vùng não hoàn toàn không có phản ứng.

Tiến sĩ James đã đưa ra giả thuyết để lý giải cho sự khác biệt trong thử nghiệm là do thuộc tính đặc trưng của hành động viết tay tự do: "Khi chúng ta viết tay, chúng ta phải lên kế hoạch trong não và thực hiện hành động viết. Bên cạnh đó, chúng ta còn tạo nên những kết quả tượng hình khác nhau sau mỗi hành động viết trên giấy, đó là lý do cho việc con người không thể nào viết 2 ký tự hoàn toàn giống nhau được". Chính sự biến đổi này là một công cụ học tập hoàn hảo, Karin James khẳng định: "Khi những đứa trẻ viết ra nhiều ký tự khác nhau sẽ giúp chúng học và ghi nhớ được ký tự đó".

Não bộ của đứa trẻ chỉ hiểu được ý nghĩa của mỗi ký tự khi chúng ta viết nhiều lần ra giấy. Khi đứa trẻ học chữ "A", chúng phải tự viết nó ra giấy để não bộ có thể ghi nhớ được hình dáng của chữ A khi so sánh với các chữ cái khác. Tiến sĩ James cho biết: "Hành động viết chính là sự diễn tập của não bộ ở trẻ em khi được học những ký tự đầu tiên". Để kiểm chứng kết luận, tiến sĩ James đã thực hiện 1 thử nghiệm khác so sánh giữa những đứa trẻ học chữ cái bằng cách tự viết với việc chỉ nhìn vào hình dáng chữ. Thử nghiệm đã 1 lần nữa đạt được kết quả tương tự và củng cố cho lập luận của nghiên cứu ban đầu.

Vấn đề này tiếp tục thu hút Marieke Longchamp và Jean-Luc Velay, hai nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm khoa học thần kinh nhận thức tại Đại học Aix-Marseille. Họ đã tiến hành một nghiên cứu trên 76 trẻ em, chia nhóm từ 3 đến 5 tuổi. Các nhóm học để viết chữ bằng tay có kết quả tốt hơn so với nhóm học bằng cách gõ chúng trên một máy tính. Họ lặp lại thí nghiệm trên người lớn với việc hướng dẫn những người tham gia học tiếng Bangladesh và tiếng Sri Lanka. Kết quả thu được cũng tương tự như với các trẻ em.

Trong một nghiên cứu khác của nhà tâm lý học Virginia Berninger tại đại học Washington, quá trình học tập của học sinh lớp 2 được theo dõi qua nhiều năm. Theo đó, bà Berninger đã phát hiện ra sự khác biệt giữa các phương pháp học bằng cách chỉ đọc mà không viết, viết tay và gõ trên bàn phím. Tất cả những phương pháp học trên đều có liên hệ mật thiết với các phần riêng biệt và độc lập trên não bộ. Thêm vào đó, mỗi phương pháp đều cho ra một hiệu quả học tập khác nhau. Kết quả nghiên cứu của Berninger cho thấy, việc viết tay không chỉ giúp đứa trẻ học các từ ngữ nhanh hơn so với gõ trên máy tính mà còn giúp tăng cường tính sáng tạo và hình thành nhiều ý tưởng hơn. Hơn nữa, thao tác viết tay còn giúp các hình ảnh và nội dung kiến thức được lưu trữ trong não một cách bền vững trong nhiều năm sau đó.

Hiện nay, vấn đề vẫn đang gây tranh cãi là sự khác nhau giữa việc học bằng văn bản in bằng máy hay các nội dung viết tay. Đặc biệt là có một số ý kiến cho rằng việc dạy tập viết sẽ dần biến mất trong tương lai không xa. Tuy nhiên, hãy nhìn lại một số hiệu ứng tích cực của các văn bản viết tay. Một số người bị mắc hội chứng khó đọc, nhưng chỉ khó đọc các nội dung in ấn trong khi đối với chữ viết tay vẫn có khả năng đọc bình thường. Giả thuyết được đưa ra là do khả năng viết là kết quả của 2 quá trình độc lập diễn ra bên trong não bộ nên sẽ bền vững và ít chịu sự tác động hơn.

Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng việc tập viết chữ là biện pháp để chữa chứng khó đọc ở những người mắc phải. Năm 2012, tờ Los Angeles Times đã chỉ ra rằng các văn bản viết tay còn có thể chữa được hội chứng khó viết, có biểu hiện là đảo ngược chữ viết theo chiều ngang và chiều dọc. Việc viết tay, không chỉ có lợi ích đối với trẻ nhỏ mà còn cả người trưởng thành. Đối với người trưởng thành, việc đánh máy có thể là một lựa chọn nhanh chóng và hiệu quả so với thao tác viết tay. Tuy nhiên, viết bằng tay sẽ giúp người lớn học được các kiến thức mới nhanh chóng và ghi nhớ lâu hơn so với việc học hoàn toàn bằng chuột hay bàn phím máy tính.

Thậm chí việc này còn ảnh hướng đến thói quen thư tín của nhiều người theo như kết quả của một cuộc điều tra tại Anh vào tháng 6/2014, 2000 người đã được mời tham gia một cuộc khảo sát của Docmail về việc họ sử dụng những bức thư viết tay như nào. Kết quả đã khiến nhiều người khá bất ngờ: cứ 3 người thì có 1 người không hề động đến bút viết trong vòng 6 tháng gần nhất, thậm chí đối với người duy nhất này thì lần gần nhất anh ta sử dụng bút viết cũng cách thời điểm khảo sát ít nhất 41 ngày. Ngoài ra, khi được hỏi về nội dung của văn bản gần nhất mà 2000 người này ghi lại thì những người quen sử dụng thư điện tử (tương đương việc gõ phím) không thể nhớ được những gì mình đã viết từ tháng trước trong khi đó những cá nhân viết thư tay vẫn có thể nhớ được một vài chi tiết nhỏ của môt bức thư họ gửi đi cách đó hơn 8 tháng.

Mặc dù lợi ích của viết tay có vẻ như tốt hơn rất nhiều so với gõ phím nhưng với tốc độ phát triển công nghệ như hiện nay, liệu cách thức học tập cổ điển này còn có thể đứng vững? Câu hỏi này chắc chỉ có thời gian mới trả lời được.

Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video