Đó là thông tin vừa được PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, chia sẻ.
Theo PGS Quỳnh Mai, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phân tích virus trên bệnh phẩm lấy từ bệnh nhân. Kết quả cho thấy virus gây bệnh đã tách thành 2 nhóm khác hẳn nhau.
Giai đoạn trước, bệnh nhân là những người về từ châu Á. Hiện nay, bệnh nhân nhiễm virus đa phần có nguồn gốc từ châu Âu.
Hình ảnh chủng mới của virus corona dưới siêu kính hiểu vi. (Ảnh: Bộ Y tế).
Virus mà Việt Nam phân lập được trên ca bệnh Covid-19 về từ châu Âu khác với virus gây bệnh tại châu Á. Ở đây, có sự khác biệt rõ rệt và tiến hóa.
Theo PGS.TS Quỳnh Mai, tổng hợp từ 16.000-17.000 virus và trình tự gene được công bố, thế giới đã công bố 3 nhóm khác nhau.
“Trong quá trình phát triển và nhân lên, truyền từ người nọ sang người kia, virus bao giờ cũng có sự tiến hóa. Quá trình tiến hóa đó sẽ tạo ra sự khác biệt từ cá thể nọ sang cá thể kia”, PGS.TS Quỳnh Mai nói.
Bà Mai cho hay chưa thể khẳng định độc lực và khả năng lây bệnh của chúng có nhanh hơn virus SARS-CoV-2 không, phải tiếp tục nghiên cứu thêm.
Đầu tháng 2, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân lập thành công SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, đưa Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia phân lập thành công chủng virus này.
Việc phân lập, nuôi cấy thành công đã giúp phát triển các sinh phẩm xét nghiệm, cũng như phục vụ cho nghiên cứu điều chế vắc xin dự phòng bệnh.
Với các nghiên cứu về SARS-CoV-2, Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất mồi chuẩn thực hiện các xét nghiệm chính xác khẳng định ca bệnh Covid-19, cho kết quả xét nghiệm sớm hơn với số lượng lớn mẫu bệnh phẩm.