Ông Huấn cho biết, điều quan trọng bây giờ là tìm mọi cách ngăn chặn nguy cơ H5N1 "gặp gỡ" với các virus cúm khác để dẫn đến sự tái tổ hợp nguy hiểm kể trên, có nghĩa là phòng tránh việc người lây nhiễm cúm từ chim và gia cầm. "Hiện nay, sự di cư của các loài chim là mối nguy hiểm lớn nhất, nhưng nằm ngoài khả năng kiểm soát của con người. Do đó, chúng ta chỉ có thể ngăn chặn dịch trên gia cầm, thủy cầm, và điều này cần làm triệt để''.
Trong những ngày gần đây, liên tiếp các trường hợp có triệu chứng giống cúm A được phát hiện, nhưng đến nay, Bộ Y tế chỉ mới khẳng định một ca nhiễm H5N1, đó là anh Bùi Thanh Hải ở Đống Đa, Hà Nội, đã qua đời ngày 29/10. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng mới xác nhận thêm một ca cúm type A khác, đó là anh Vũ Vạn Nhật, 43 tuổi, người Hải Phòng, tử vong hôm 2/11 tại bệnh viện Việt Tiệp. Kết quả xét nghiệm tại viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy anh bị nhiễm virus H3N0, cũng là một chủng cúm lây từ gia cầm. Điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân này có ăn thịt gà trước khi phát bệnh. Ngoài ra, theo Bộ Y tế, các bệnh nhân nghi nhiễm cúm được phát hiện khác đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Về việc sản xuất thuốc Tamiflu tại Việt Nam, ngày 9/11, Cục Quản lý dược đã có văn bản chính thức thông báo những thoả thuận đạt được giữa Bộ Y tế và đại diện Công ty F.Hoffmann La Roche. Theo đó, Roche sẽ cung cấp nguyên liệu và một số tài liệu kỹ thuật để hỗ trợ sản xuất viên nang có hoạt chất Oseltamivir phosphate (tên gốc của Tamifflu) tại Việt Nam. Roche cũng cam kết sẽ giúp thực hiện kế hoạch dự trữ, cung ứng thuốc điều trị và dự phòng cúm trong trường hợp có đại dịch xảy ra tại Việt Nam.
H.H.