Virus MERS đang gây hoang mang nhất hiện nay nguy hiểm đến đâu

 Nguồn gốc và mức độ nguy hiểm của loại virus gây bệnh MERS - hội chứng hô hấp "tử thần" hiện chưa có thuốc chữa trị.

Tìm hiểu mức độ nguy hiểm của virus MERS

Ngày 2/6/2015 Bộ Y tế đã có buổi họp khẩn với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) để bàn về cách ứng phó với loại virus gây hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông (MERS).

Được biết, tính đến ngày 1/6, số người nhiễm MERS ở Hàn Quốc lên tới 25 người, chưa kể 2 người tử vong. Trung Quốc cũng vừa ghi nhận ca mắc đầu tiên.

Vậy thực tế, con virus này có nguồn gốc như thế nào và nó nguy hiểm ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đi tìm câu trả lời.

Với tên đầy đủ là virus gây Hội chứng hô hấp Trung Đông corona (viết tắt là MERS-CoV), virus corona là một loại siêu vi đơn mạch RNA thuộc chi Betacorona virus.

Được phát hiện tại vùng Arập Saudi vào năm 2012, tính đến nay, loại virus này đã có mặt ở 26 quốc gia trên toàn thế giới. Nó được cho là thủ phạm cho 1.154 ca bệnh và trong đó có ít nhất 431 ca tử vong.

MERS-CoV thuộc một nhóm các virus tên là Coronavirus. Nhóm này được chia thành 4 chi nhỏ alpha, beta, gamma và delta trong đó chỉ có những virus thuộc chi alpha và beta có thể gây bệnh ở người.

Trong nhóm virus này đáng chú ý nhất là tồn tại loại virus gây hội chứng hô hấp cấp tính SARS và giờ là mối nguy mới virus MERS-CoV.

MERS-CoV là một loại virus mới của chi Beta. Mặc dù vào thời điểm mới được phát hiện, người ta đã hiểu nhầm và đánh đồng MERS với người họ hàng SARS tuy nhiên trên thực tế, loại virus này mang đặc điểm và cơ chế khác hẳn. Chính điều này khiến chúng trở nên nguy hiểm hơn nhiều.

Ca nhiễm bệnh MERS được phát hiện đầu tiên là ở Ả Rập Saudi vào năm 2012. Một nhà virus học người Ai Cập - tiến sĩ Ali Mohamed Zaki đã cô lập và xác định được loại virus mới từ phổi của một bệnh nhân. Tiếp sau đó là hàng loạt ca bệnh tương tự được ghi nhận, bao gồm các ca tử vong.

Các nhà khoa học cho rằng, MERS lây truyền theo đường từ động vật sang người. Người ta đã phát hiện được loại virus tương tự trong ADN của lạc đà tại các vùng Ả Rập Saudi, Qatar hay Ai Cập - những nơi được cho là nguồn phát sinh của căn bệnh này.

Tuy nhiên khi còn ở trong cơ thể động vật, MERS-CoV không hoạt động và những con vật này không có triệu chứng mang bệnh. Chỉ khi vào đến cơ thể người, loài virus này mới trở nên nguy hiểm và khó kiểm soát.

Điều thực sự có thể biến MERS thành một dịch bệnh thế kỷ đó là virus truyền bệnh có thể di chuyển từ người sang người. Theo các nhà khoa học, MERS-CoV có thể truyền giữa những cá thể có tiếp xúc trực tiếp với nhau, thường thông qua đường hô hấp nhưng trong phạm vi giới hạn.

Điều này khiến đa số các trung tâm y tế cho rằng, căn bệnh này ít khả năng có thể trở thành đại dịch và lây truyền cho hầu hết dân chúng.

Tuy nhiên một số nghiên cứu lại chỉ ra rằng MERS-CoV dễ lây lan hơn chúng ta tưởng. Một thí nghiệm đã cho thấy, loại virus này có thể tồn tại trong không khí một khoảng thời gian nhất định trong điều kiện môi trường chung gồm chủ thể mang virus và những người xung quanh.

MERS chủ yếu gây ra các triệu chứng giống bệnh cảm cúm như ho, sốt và khó thở. Virus này ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp trên nhưng cũng có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn và ói mửa.

Trong trường hợp xấu nhất, bệnh nhân có thể gặp những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi và hỏng thận dẫn đến tử vong.

Hầu hết những người chết do các biến chứng liên quan đến MERS đều sở hữu những bệnh hoặc rối loạn hệ miễn dịch tiềm ẩn, khiến cơ thể gặp khó khăn trong quá trình chống lại virus.

Các căn bệnh đó bao gồm tiểu đường, ung thư, bệnh tim, phổi hoặc thận cũng như các căn bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch khác.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thì tỉ lệ chết vì virus MERS-CoV là từ 3 - 4/10 ca nhiễm bệnh - một con số khá cao.

Vào tháng 5/2013, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đưa ra lời cánh báo rằng MERS-CoV là một "mối nguy cho toàn bộ nhân loại" và nhấn mạnh tính nguy hại của "virus đại dịch trong tương lai" này.

Hiện tại vẫn chưa có một phương pháp chữa trị được đưa ra cho MERS và căn bệnh này đang trở thành mối quan ngại sâu sắc của toàn thế giới.

Riêng tại Hàn Quốc chỉ trong vòng nửa tháng trở lại đây đã có 25 trường hợp mắc bệnh MERS với nguồn bệnh là một người đi du lịch trở về từ Ả Rập Saudi. Căn bệnh cũng đã lây lan sang Trung Quốc và có nguy cơ lớn lan ra toàn châu Á.

Nỗi lo sợ lớn nhất hiện giờ chính là việc MERS có thể phát tán và trở thành một đại dịch thực sự - như người họ hàng SARS của nó đã từng khiến hơn 800 người thiệt mạng vào năm 2003.

Một vài cách để ngăn ngừa sự lây nhiễm virus MERS- CoV:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong 20 giây. Nếu không có sẵn xà phòng và nước, hãy dùng sản phẩm rửa tay có chất cồn.
  • Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho/hắt hơi và vứt khăn vào sọt rác.
  • Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng của mình bằng tay chưa rửa sạch. Tránh tiếp xúc gần gũi (hôn, dùng chung ly tách, hoặc dùng chung đồ dùng ăn uống, v.v.) với người bệnh.
  • Lau sạch và khử trùng thường xuyên các bề mặt chạm vào như đồ chơi và tay nắm cửa ra vào ở khu vực có người nghi nhiễm bệnh.
Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video