Các nhà khoa học Mỹ và Bangladesh cho biết hiện động vật có vú đang mang trong mình tới 320.000 loài virus khác nhau và nhiều virus có thể lây lan sang người, trở thành đại dịch.
>>> Phát hiện virus cúm gây nguy hiểm mới
Theo Hãng tin BBC, gần 70% loại virus gây bệnh cho con người như HIV, Ebola hay mới đây là MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông) đều xuất phát từ động vật. Để xác định quy mô của mối đe dọa này, các nhà nghiên cứu Mỹ và Bangladesh đã thực hiện một nghiên cứu đối với loài dơi có biệt danh “cáo bay”.
Loại dơi “cáo bay” chứa trong mình 60 chủng virus khác nhau - (Ảnh: Nature)
Loài dơi này mang trong mình virus Nipah gây nguy hiểm cho con người. Nhưng nghiên cứu cho thấy nó còn chứa 60 chủng virus khác nhau, phần lớn chưa được phát hiện trước đây. Dùng phương pháp ngoại suy, nhóm nghiên cứu xác định các loài động vật có thể mang tới 320.000 loài virus khác nhau.
Giáo sư Ian Lipkin thuộc Trung tâm Truyền nhiễm và miễn dịch của ĐH Columbia (Mỹ) khẳng định giới khoa học cần lập tức nghiên cứu và xác định các virus này. Ước tính thời gian nghiên cứu kéo dài khoảng 10 năm với chi phí lên đến hơn 6 tỉ USD.
Tuy nhiên giáo sư Lipkin nhấn mạnh, chi phí này còn rẻ hơn nhiều so với những tổn thất mà loài người phải chịu nếu virus lây sang người, tạo thành đại dịch toàn cầu. “Mục tiêu là phát triển một hệ thống cảnh báo đại dịch sớm” - giáo sư Lipkin cho biết.
Theo các chuyên gia, chắc chắn giới khoa học không thể nghiên cứu toàn bộ động vật trên Trái đất, nhưng họ có thể nỗ lực tối đa để vẽ bản đồ các “điểm nóng” có nguy cơ dẫn tới đại dịch.
Hiện tại, một dự án có tên PREDICT đã phát hiện 240 loại virus mới ở những khu vực mà con người và động vật sống gần nhau.