Nguy cơ bị ảnh hưởng của sóng thần ở Việt Nam tuy nhỏ nhưng cũng cần được tính đến, vì nếu hiện tượng đó xảy ra mà không được cảnh báo trước thì thảm hoạ sẽ khôn lường.
Nguy cơ gia tăng của động đất và ảnh hưởng của sóng thần.
Thảm họa sóng thần ở Banda Aceh |
Thực tế đã cho thấy, ở Việt Nam thế kỷ trước cũng dã xảy ra 2 trận động đất có cường độ mạnh tới 6,7-6,8 độ Richcher tại miền Bắc Việt Nam những năm 1935 và 1983 gây phá huỷ trên một vùng rộng lớn 1.300km2 làm chết 30 người. Gần đây nhất, năm 2001, một trận động đất có cường độ 3,5 đô Richcher tại phía Tây Điện Biên gây hư hại hơn 2.000 ngôi nhà. Năm 2005, chuỗi động đất cường độ 4,5-5,1 độ Richcher xảy ra vào tháng 8,10 và 11 ở vùng biển Vũng Tàu, Phan Thiết làm rung chuyển diện rộng khu vực Nam Trung Bộ, gây hoảng loạn một số nơi tại Vũng Tàu, Phan Thiết và TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, theo Bộ TN&MT, hàng loạt các công trình lớn (các nhà máy thuỷ điện với độ cao của đạp hàng trăm mét, các hồ chứa dung tích hàng tỷ m3 nước, các công trình khai thác dầu khí trên quy mô lớn trên vùng thềm lục địa đã và sẽ xây dựng...) cũng tác động ít nhiều đến môi trường địa chất và làm tăng khả năng động đất kích thích.
Đối với nguy cơ sóng thần, Việt Nam có bờ biển dài 3.260km, nguy cơ sóng thần cũng cần được tính đến để tránh những thảm hoạ như trận sóng thần đã xảy ra ngày 26/12/2004 ngoài khơi vùng biển Indonesia làm thiệt hại hơn 280.000 người và hàng triệu người mất nhà cửa.
Theo đó, nguy cơ bị ảnh hưởng của sóng thần ở Việt Nam tuy nhỏ nhưng cũng cần được tính đến, vì nếu hiện tượng đó xảy ra mà không được cảnh báo trước thì thảm hoạ sẽ khôn lường.
Cho thấy, phối hợp báo tin động đất, cảnh báo sóng thần phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại trong phát triển kinh tế xã hội là hết sức cần thiết.
2008 cảnh báo sóng thần qua hệ thống báo động trực canh
Bộ TN&MT vừa trình Thủ tướng Chính phủ Quy chế bản tin động đất, cảnh báo sóng thần. Quy chế này giới hạn bản tin động đất cảnh báo sóng thần có nguồn gốc từ biển xa có khả năng ảnh hưởng đến bờ biển và hải đảo Việt Nam.
Theo quy chế này việc báo tin động đất cảnh báo sóng thần sẽ giao cho Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam. Viện Vật lý địa cầu sẽ tiến hành cảnh báo sóng thần theo các kịch bản do một hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định. Trong đó cũng nêu rõ, cần thấy trước và chấp nhận sai số có tính chất phòng ngừa này để những người làm công tác cảnh báo sóng thần yên tâm công tác.
Tin cảnh báo sóng thần và cảnh báo động đất sẽ được lấy từ các nguồn: các mạng lưới trạm điạ chấn hiện do Viện Vật lý địa cầu trực tiếp quản lý; các trạm quan trắc mực nước biển do Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia thuộc Bộ TN&MT xây dựng và quản lý; đặc biệt là từ các trung tâm cảnh báo sóng thần quốc tế.
Truyền báo tin động đất và cảnh báo sóng thần sẽ được thực hiện qua một hệ thống báo động trực canh về phòng tránh sóng thần do Ban chỉ đạo phòng chống lụ bão trung ương chỉ đạo xây dựng tại các xã ven biển.
Việc thực hiện quy chế tiến hành theo hai bước, sau khi quy chế có hiệu lực thi hành cho đến tháng 6/2008 thực hiện bản tin động đất và cảnh báo sóng thần theo tin cảnh báo từ các trung tâm cảnh báo sóng thần quốc tế thông qua hệ thống thông tin đại chúng; Bước thứ hai là từ tháng 7/2008 cảnh báo sóng thần theo các kịch bản cảnh báo sóng thần và thông qua hệ thống báo động trực canh.
Kiều Minh